Nhận thức được vai trò của PHCNTM, một số lớp tập huấn của các chuyên gia nước ngoài dành cho các bác sĩ và kỹ thuật viên đã được tổ chức tại TP.HCM. Một vài bệnh viện cũng đã bắt đầu triển khai chương trình này. Mục tiêu chính của chương trình nhằm giúp bệnh nhân tim mạch đạt được các điều kiện tốt nhất về thể chất, tinh thần và xã hội.
Những lợi ích
Tham gia chương trình PHCNTM, bệnh nhân sẽ được tư vấn những kiến thức liên quan đến bệnh tim mạch của mình và có thể tự theo dõi một số dấu hiệu bất thường như tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng mỡ máu... Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập luyện vận động một cách an toàn, phù hợp tình trạng bệnh của mình.
Bên cạnh việc phải tuân thủ một chế độ ăn có lợi cho sức khỏe, loại bỏ những thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu..., bệnh nhân sẽ học cách có được một cuộc sống thanh thản, giảm thiểu những căng thẳng trong cuộc sống và phòng tránh các yếu tố nguy cơ gây trầm cảm. Cuối cùng là học cách để sớm tái hòa nhập với cuộc sống và công việc hằng ngày một cách an toàn.
Tập luyện vận động sớm là điểm mấu chốt trong chương trình PHCNTM. Hệ cơ là cơ quan đầu tiên nhận được lợi ích, kế đến là hệ tim mạch. Những lợi ích khác nữa là phòng ngừa viêm phổi do ứ đọng, giảm cân, cải thiện dung nạp đường ở những bệnh nhân đái tháo đường, làm tăng mức “mỡ tốt” HDL... Và cuối cùng là tăng sức bền bỉ và sức mạnh của cơ thể, bệnh nhân có tâm lý tự tin hơn để nhanh chóng khôi phục các hoạt động thông thường.
Tập luyện dài hạn
Những người cần tham gia chương trình Tùy theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, đó là những bệnh nhân sau khi được can thiệp trên động mạch vành (nong, đặt giá đỡ hoặc phẫu thuật bắc cầu nối). Ngoài ra, một số bệnh nhân bị suy tim, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh nhân đã hay đang có kế hoạch ghép tim và sau khi phẫu thuật tim (sửa hoặc thay van tim) đều có thể tham gia chương trình này. |
Thông thường bệnh nhân tham gia chương trình PHCNTM phải trải qua ba giai đoạn tập luyện: tại trung tâm hồi sức tích cực, tại trung tâm phục hồi chức năng và tại nhà. Thời gian tập luyện tùy thuộc từng bệnh nhân và từng loại bệnh.
Ví dụ, có thể mất khoảng ba tuần tại trung tâm hồi sức tích cực sau khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim được cứu sống, thêm khoảng bốn tuần tại trung tâm phục hồi chức năng và cuối cùng là tập luyện dài hạn sau khi trở về nhà.
Thời gian dài hạn không thể xác định, chỉ có thể mượn tạm câu chuyện “xứ người” của nữ y tá về hưu Daisy McFadden, người Mỹ đã 99 tuổi. Bà được phẫu thuật bắc ba cầu động mạch vành vào năm 88 tuổi và tham gia chương trình PHCNTM đã được 11 năm. Đều đặn mỗi tuần, bà đến trung tâm ba lần để tập luyện dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Đến nay bà vẫn sống không phụ thuộc vào người khác, khỏe mạnh và yêu đời.
Cái khó của chương trình
Chương trình PHCNTM đòi hỏi một sự hợp tác chặt chẽ, kiên trì giữa thầy thuốc, bệnh nhân, gia đình và cộng đồng. Thiếu một trong những mắt xích này khó có thể đảm bảo sự thành công.
Cái khó thứ nhất là đòi hỏi nhóm PHCNTM (bao gồm bác sĩ - kỹ thuật viên - điều dưỡng) phải có sự nhiệt tình, lòng kiên nhẫn và tận tâm trong việc tư vấn, xây dựng và hướng dẫn chương trình tập luyện cho bệnh nhân.
Cái khó thứ hai thuộc về bệnh nhân: phải có lòng kiên trì và khả năng vượt qua chính bản thân mình. Không ít bệnh nhân sau khi vượt qua được ngưỡng cửa tử thần đã đồng ý tham gia chương trình PHCNTM, nhưng đành phải bỏ ngang vì không thể ép mình thực hiện một chế độ ăn kiêng hay từ bỏ những thói quen hút thuốc lá, uống bia rượu.
Bệnh nhân lớn tuổi cũng thường cắt ngang chương trình vì cảm thấy “đuối sức” khi theo đuổi dài hạn, mặc dù việc tập luyện cũng mang lại nhiều lợi ích như người trẻ tuổi.
Cuối cùng là sự hỗ trợ quan trọng của cộng đồng. “Cộng đồng thu nhỏ” là gia đình, có vai trò chính hỗ trợ bệnh nhân trong việc thực hiện và tuân thủ chế độ ăn kiêng, động viên khuyến khích từ bỏ thói quen có hại, tạo môi trường sống và tâm lý thoải mái...
Cơ quan công tác có thể hỗ trợ bằng cách chuyển bệnh nhân sang môi trường làm việc nhẹ nhàng, ít căng thẳng, phù hợp với sức khỏe hơn. Cộng đồng xã hội có vai trò tạo điều kiện cho việc thành lập các hội nhóm những bệnh nhân để chia sẻ, cũng như giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình tập luyện phục hồi chức năng.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)