Để TP.HCM ngày càng phát triển, người trẻ đề xuất những gì?

Thanh Nam
Thanh Nam
28/03/2025 17:11 GMT+7

Người trẻ đã đề xuất nhiều mô hình, giải pháp, hiến kế nhằm góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM trong thời gian tới.

Để thu hút và giữ chân nhân tài

Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP.HCM với thanh niên năm 2025 diễn ra sáng 28.3, PGS.TS Lê Thanh Long, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã đề cập các vấn đề liên quan đến Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo PGS.TS Lê Thanh Long, Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, cản trở đối với các nhà khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học trẻ. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết, thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhằm đào tạo và thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới, PGS.TS Lê Thanh Long đề xuất lãnh đạo UBND TP.HCM 4 vấn đề.

"Đầu tiên là xây dựng và mở rộng các chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính. Kế đến là đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần xây dựng chính sách thu hút và giữ chân nhân tài. Và cuối cùng là tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ", PGS.TS Lê Thanh Long phát biểu.

Người trẻ đề xuất những gì để TP.HCM ngày càng phát triển? - Ảnh 1.

PGS.TS Lê Thanh Long chia sẻ tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP.HCM với thanh niên năm 2025

ẢNH: THANH NAM

Anh Nguyễn Hàn Dũng, Bí thư Đoàn Sở Công thương, chia sẻ một số giải pháp, có thể góp phần vào việc xây dựng và phát triển kinh tế TP.HCM trong thời gian tới. Đó là tập trung phát triển hạ tầng đô thị và kinh tế để tạo động lực tăng trưởng kinh tế thành phố trong ngắn hạn. Song song đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng thông minh, tăng cường kết nối vùng để giảm áp lực đô thị. Đồng thời, cần quy hoạch hạ tầng hỗ trợ các ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, logistics, trung tâm đổi mới sáng tạo và mở rộng hợp tác quốc tế góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.

"Cần tạo môi trường thuận lợi để phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp. Thành phố cần có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, đặc biệt cho khởi nghiệp công nghệ, kinh tế số", anh Dũng đề xuất.

Người trẻ đề xuất những gì để TP.HCM ngày càng phát triển? - Ảnh 2.

Người trẻ đã đề xuất nhiều ý kiến với mong muốn chung tay cùng TP.HCM ngày càng phát triển

ẢNH: THANH NAM

Xây dựng y tế thông minh

Bác sĩ Trần Phương Thúy, Khoa Liên chuyên khoa (Bệnh viện Lê Văn Việt), đề xuất một số giải pháp đổi mới sáng tạo trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng y tế thông minh trong thời gian tới.

Đó là xây dựng hệ thống quản lý y tế thông minh. Thành phố triển khai các nền tảng quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối dữ liệu giữa các bệnh viện để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị nhanh chóng hơn. Hệ thống này giúp bác sĩ dễ dàng tra cứu lịch sử bệnh án, giảm sai sót và nâng cao chất lượng điều trị. Nhân rộng mô hình của các bệnh viện đang ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ chẩn đoán và tối ưu hóa phác đồ điều trị đến tuyến cơ sở.

Cũng theo bác sĩ Thúy: "Nên phát triển nền tảng khám chữa bệnh từ xa. Hợp tác giữa đơn vị công nghệ và bệnh viện đẩy mạnh triển khai mô hình tư vấn y tế trực tuyến, giúp người dân được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa mà không cần đến bệnh viện. Đặc biệt, tuyến y tế cơ sở cần được hỗ trợ kết nối với bác sĩ tuyến trên để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ngoài ra, cần đào tạo nhân lực y tế số, bằng cách tổ chức các khóa tập huấn cho bác sĩ, điều dưỡng về công nghệ y tế, giúp họ thích ứng với xu hướng chuyển đổi số".

Anh Trần Đình Vũ, Bí thư Đoàn Tổng công ty Liksin, chia sẻ những băn khoăn về việc giải quyết thất nghiệp do ảnh hưởng của quá trình số hóa và nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Anh Vũ cho rằng để giải quyết thất nghiệp do ảnh hưởng của quá trình số hóa, thành phố cần mở rộng các chương trình trợ cấp thất nghiệp và đào tạo lại cho nhóm lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nghiên cứu các chính sách thuế và quỹ phúc lợi để hạn chế tác động xã hội của quá trình tự động hóa.

"Đối với vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp, nên tăng cường đầu tư và phát triển các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt tại các khu vực có nhiều khu công nghiệp. Thúc đẩy các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ. Rà soát chọn đúng đối tượng, ưu tiên các gia đình trẻ chưa có nhà ở", anh Vũ nói thêm.

Nguyễn Quốc Trung, sinh viên ngành hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, hiện nay có nhiều đề tài nghiên cứu và sáng kiến đổi mới sáng tạo có tiềm năng nhưng chưa có điều kiện phát triển thành sản phẩm thương mại do hạn chế về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm thực tế và khả năng tiếp cận doanh nghiệp. Vì lẽ đó, Trung đề xuất UBND TP.HCM nghiên cứu, xây dựng và triển khai quỹ đầu tư mạo hiểm dành riêng cho các dự án công nghệ số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của nhà khoa học trẻ, sinh viên ở TP.HCM. Quỹ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo từ giai đoạn ươm tạo đến thương mại hóa, đồng thời tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tại TP.HCM...

Người trẻ đề xuất những gì để TP.HCM ngày càng phát triển? - Ảnh 3.

Người trẻ đã đề xuất nhiều mô hình, giải pháp, hiến kế nhằm góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM trong thời gian tới

ẢNH: THANH NAM

Nguyễn Khắc Quốc Huy, Bí thư Đoàn P.8 (Q.10), cho biết hiện nay thanh niên thành phố có nhu cầu lớn về vui chơi, giải trí, thụ hưởng các hoạt động văn hóa sau thời gian dài dành cho học tập và làm việc vào mỗi ngày. Nhưng các hoạt động hấp dẫn, thu hút để thanh niên tìm đến và lựa chọn phần nhiều đến từ các đơn vị bên ngoài nhà nước, doanh nghiệp tư nhân. Tuy thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức Đoàn, Hội các cấp có nhiều nỗ lực trong tiếp cận nhu cầu, thị hiếu, sở thích của thanh niên để triển khai hoạt động tiệm cận với nhu cầu của giới trẻ nhưng kết quả còn khá khiêm tốn do còn hạn chế về nguồn lực và các thiết chế, sân chơi văn hóa có thể đáp ứng nhu cầu.

Từ đó, Huy kiến nghị lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo, giao cho các sở, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng và nâng cấp các thiết chế văn hóa hiện đại, các không gian văn hóa hiện đại (thư viện, nhà hát…) để giải trí, sinh hoạt, tổ chức hoạt động văn hóa, đồng thời đầu tư các chương trình văn hóa phục vụ thanh niên một cách hiện đại, quy mô lớn, xứng tầm trong khu vực.

"Các công trình, không gian này có thể mời doanh nghiệp vào đầu tư, nhà nước và doanh nghiệp cùng làm, cùng hưởng, cùng đạt được mục tiêu chung. Trong đó sẽ giao địa điểm, cơ chế cho tổ chức Đoàn, Hội phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, các hoạt động quy mô lớn miễn phí (hoặc có chi phí phù hợp) cho thanh niên thành phố thụ hưởng. Tăng cường các sân chơi văn hóa, sản phẩm văn hóa có giá trị nghệ thuật cao, qua đó lồng ghép việc giáo dục lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc cho thanh niên thành phố", Huy đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.