Lý do VN phát triển nhiệt điện than chủ yếu là giá rẻ. Nhưng đó là vì chúng ta chưa tính đủ các chi phí mà xã hội phải trả cho những hệ lụy từ ngành này gây ra. Ước tính của các tổ chức quốc tế, mỗi kWh nhiệt điện than làm tốn chi phí y tế đến 0,17 USD. Theo quy hoạch điện VII, đến năm 2030, VN sẽ sản xuất 304 tỉ kWh điện than. Chi phí y tế mà chúng ta phải trả khi ấy sẽ là một con số khổng lồ. Chưa hết, để sản xuất ra 1 kW điện, tương ứng thải ra môi trường 1 kg CO2.
Ô nhiễm không khí khiến năm 2013 tại TP.HCM có đến 3.000 người chết theo nghiên cứu “Ước lượng thiệt hại sức khỏe và chi phí kinh tế của ô nhiễm không khí tại TP.HCM” của TS Lê Việt Phú, chuyên gia sáng kiến chính sách công hạ vùng Mê Kông thuộc Chương trình Fulbright. Chỉ dẫn ra 2 ví dụ đó thôi, cái sự rẻ của nhiệt điện than liệu có đủ để chúng ta đánh đổi?
Đáng lo ngại hơn, ĐBSCL đã và sẽ có không ít dự án nhiệt điện than. Theo quy hoạch, đến năm 2030, vùng đất được mệnh danh là “vựa lúa”, "vựa thủy sản" của cả nước sẽ có tới 14 nhà máy nhiệt điện than. Nên nhớ, nhiệt điện than phải sử dụng một lượng lớn nước để làm mát nên sẽ xả ra môi trường nước có nhiệt độ cao hơn. Liên minh Năng lượng bền vững VN khẳng định nếu tất cả 14 nhà máy điện than tại ĐBSCL hoạt động thì mỗi ngày sẽ thải ra môi trường 70 triệu m3 nước nóng 400C. Ở nhiệt độ này, hệ sinh thái dưới nước và các loài thủy sản sẽ bị gây hại. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và văn hóa sông nước của hàng triệu người sống ven sông, ven biển gần nhà máy điện than. Nếu nhìn từ góc độ này, những thiệt hại mà người dân ĐBSCL phải gánh chịu là không thể đong đếm, đừng nói đến so sánh rẻ hay đắt khi đầu tư nhiệt điện than.
Nhiều ý kiến cho rằng phát triển nhiệt điện than ở VN là tất yếu, kiểu “nhà nghèo” thì phải chấp nhận dùng đồ rẻ nhưng ý kiến này chưa thuyết phục. Như nói trên, tính đúng tính đủ, nhiệt điện than không hề rẻ. Quan trọng hơn, chúng ta còn rất nhiều nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời mà VN được đánh giá là hết sức tiềm năng, nhiệt điện than không phải là nguồn duy nhất. Vướng mắc để phát triển những nguồn năng lượng tái tạo này chính là cơ chế. Đơn cử như với điện mặt trời, rất nhiều doanh nghiệp, hộ dân muốn và đã đầu tư nhưng việc sử dụng không hết phải "biếu" không nhà điện trong khi thiếu lại phải bỏ tiền mua nên không khuyến khích họ nâng cao công suất, không khuyến khích nhân rộng để chia tải với ngành điện. Hay như điện gió, cơ chế ưu đãi, giá... đang là nút thắt khiến nguồn điện này cũng khó khăn để phát triển dù rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang muốn đầu tư vốn vào đây.
Thực tế cho thấy, trả giá vì ô nhiễm môi trường luôn lớn nhất, nặng nhất, nghiêm trọng nhất và kéo dài nhất. Chính vì thế, nhiều nước trên thế giới đã tuyên bố nói không với nhiệt điện than và chúng ta không nên và không thể đi ngược xu hướng ấy.
Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương không đánh đổi môi trường bằng bất cứ giá nào mà Chính phủ đã nhiều lần khẳng định.
Bình luận (0)