Để tránh tình trạng nợ học phí đến mức buộc thôi học

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
14/04/2024 06:17 GMT+7

Trong nhiều năm qua, việc cấm thi hay không xét tốt nghiệp đối với sinh viên nợ học phí là vấn đề 'chẳng đặng đừng' của các trường ĐH. Các quy định về miễn giảm học phí, đóng học phí đều được thông báo rõ ràng nhưng không ít sinh viên vẫn rơi vào tình trạng 'nợ' do nhiều nguyên nhân.

Không đóng học phí thì phải có đơn gia hạn nếu khó khăn

Lâu nay, các trường ĐH đều có quy định rõ ràng về việc đóng học phí và thông báo để sinh viên nắm rõ. Trong đó, có quy định cụ thể về thời gian nộp học phí, trường hợp nào được gia hạn và gia hạn trong bao lâu, nếu không thực hiện đúng và nợ học phí thì sẽ có những biện pháp xử lý gì...

Được biết tất cả quy định này đều nằm trong quy chế học vụ được các trường xây dựng căn cứ vào thông tư ban hành công tác quy chế sinh viên đối với chương trình đào tạo ĐH hệ chính quy năm 2016 của Bộ GD-ĐT.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học và đóng học phí đầu năm học 2023-2024

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học và đóng học phí đầu năm học 2023-2024

MỸ QUYÊN

Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết: "Hiện nay học phí của trường được quy định đóng theo học kỳ qua hình thức chuyển khoản. Mỗi học kỳ trường sẽ có thông báo cụ thể. Trường hợp sinh viên gặp khó khăn chưa thể đóng học phí thì trường cũng hướng dẫn các em cần làm đơn xin hoãn học phí, thời gian được gia hạn là 3 tháng".

Theo thạc sĩ Cường, trường hợp sinh viên không đóng học phí đúng hạn và không có đơn xin gia hạn học phí, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý bằng hình thức như không được đăng ký môn học học kỳ tiếp theo, cấm thi học kỳ hoặc buộc thôi học.

Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, học phí cũng được thu theo học kỳ bằng hình thức chuyển khoản. Theo đó, trường sẽ thông báo kế hoạch giảng dạy, thời gian đăng ký học phần, thời gian đóng học phí, ngày học kỳ bắt đầu trên website phòng Đào tạo và thông báo đến sinh viên trước 2 tháng khi học kỳ tiếp theo bắt đầu.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông của trường, chia sẻ: "Trường hợp sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa thể hoàn thành học phí theo thời hạn quy định, sinh viên cần làm đơn xin gia hạn và nộp đơn trong thời hạn đóng học phí. Những sinh viên không hoàn thành học phí và không có đơn xin gia hạn được xem là sinh viên nợ học phí".

Được biết, bộ phận hỗ trợ học vụ của trường sẽ liên hệ sinh viên nợ học phí để xác nhận. Theo đó, trường sẽ thực hiện hủy đăng ký học phần đối với những sinh viên không còn tiếp tục theo học tại trường. Còn đối với những sinh viên chưa thể đóng học phí vì khó khăn, trường sẽ tư vấn các chính sách vay vốn học tập hoặc có hướng dẫn phù hợp với hoàn cảnh từng sinh viên.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, hiện tại sinh viên trường đóng học học phí theo kỳ. Bên cạnh việc thu trực tiếp, trường vẫn khuyến khích sinh viên nộp qua tài khoản.

Với trường hợp các em bị nợ học phí, trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên gia hạn nếu khó khăn. Trường hợp đặc biệt khó khăn còn được áp dụng miễn giảm, tùy theo từng mức độ. "Nếu các em không đóng học phí và cũng không có đơn gia hạn thì sẽ bị ghi nợ và sẽ không đủ điều kiện xét tốt nghiệp", tiến sĩ Khả thông tin.

Trường hợp sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa thể hoàn thành học phí theo thời hạn quy định, sinh viên cần làm đơn xin gia hạn và nộp đơn trong thời hạn đóng học phí

Trường hợp sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa thể hoàn thành học phí theo thời hạn quy định, sinh viên cần làm đơn xin gia hạn và nộp đơn trong thời hạn đóng học phí

ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhận học bổng từ việc đóng học phí

Thạc sĩ Xuân Dung nhận định, các trường ĐH thường công bố chính sách học phí minh bạch, rõ ràng nên sinh viên khá thuận lợi trong việc xây dựng kế hoạch tài chính cho quá trình học ĐH.

"Để tránh trường hợp bị nợ học phí hoặc vướng phải những khó khăn về học tập, thi cử, tốt nghiệp do vấn đề nợ học phí, sinh viên cần bàn bạc với phụ huynh chủ động lập kế hoạch tài chính của mình trong suốt những năm học ĐH, cũng như kế hoạch tài chính của từng năm học, từng học kỳ cụ thể để có sự chuẩn bị chu đáo. Trong quá trình học tập và sinh hoạt, nếu có những khoản chi phát sinh, sinh viên cần có sự cân đối với các khoản khác hoặc xin ý kiến phụ huynh để giải quyết kịp thời", thạc sĩ Dung lưu ý.

Bên cạnh đó, nếu sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thạc sĩ Dung khuyên nên chủ động tìm hiểu, đăng ký các chương trình học bổng vượt khó, chính sách vay vốn, hỗ trợ học tập; đăng ký làm cộng tác viên các phòng ban tại trường, làm việc bán thời gian bên ngoài để có thêm chi phí trang trải cho cuộc sống.

"Nếu không thể đóng học phí đúng hạn, sinh viên có thể làm đơn xin gia hạn và trình bày khó khăn để được trường tư vấn, hướng dẫn. Như vậy, các em mới có thể đảm bảo quyền lợi học tập cũng như hoàn thành việc học một cách thuận lợi, suôn sẻ", thạc sĩ Dung cho hay.

Thạc sĩ Đặng Kiên Cường cho rằng việc nợ học phí là có nhiều lý do, tuy nhiên, đóng học phí là nghĩa vụ và quyền lợi của sinh viên nên sinh viên cần có trách nhiệm với bản thân, gia đình và trường trong việc đóng học phí.

"Từ việc đóng học phí, các em cũng có quyền lợi trực tiếp là nhận học bổng, chẳng hạn học tập loại khá được nhận học bổng tương đương tiền học phí, loại giỏi được học bổng cao hơn mức học phí và xuất sắc thì học bổng này dư tiền để có thể sinh hoạt", thạc sĩ Cường chia sẻ.

Được biết tại nhiều trường ĐH, quỹ học bổng hàng chục tỉ đồng cấp cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... đều được trích ra từ nguồn học phí. Vì vậy, việc thực hiện nghĩa vụ đóng học phí cũng chính là điều kiện để được nhận quyền lợi về học bổng.

"Khi cảm thấy nguồn hỗ trợ từ gia đình chưa đủ, thì các em có thể chủ động tìm việc làm thêm vừa phải. Trường hợp gặp khó khăn (có thể là nhất thời) thì nên chia sẻ với thầy cô, bạn bè, để có sự hỗ trợ. Đặc biệt là thầy cô cố vấn học tập", thạc sĩ Cường đưa ra lời khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.