Để 'trị' bạo lực học đường cần xây dựng một 'nền móng' thật vững chắc

22/04/2023 10:45 GMT+7

Những câu chuyện đau lòng về bạo lực học đường cứ liên tiếp xảy ra hết ngày này qua tháng nọ. Dư luận cảm thấy bất an với vấn nạn này.

Bạo lực học đường, 'ngọn lửa âm ỉ' nhưng chưa có 'biện pháp dập tắt' hiệu quả - Ảnh 1.

Những câu chuyện đau lòng về bạo lực học đường cứ liên tiếp xảy ra

CHỤP MÀN HÌNH

Trong 1 đề tài nghiên cứu cấp Bộ của nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) về thực trạng bắt nạt trực tuyến trên 1302 học sinh Việt Nam cấp THCS và THPT cho thấy, có 60.8% học sinh báo cáo rằng đã từng ít nhất 1 lần thực hiện bắt nạt trực tuyến bạn bè của mình bằng những hình thức khác nhau như: nói xấu trên mạng, bình luận ác ý, lập group nói xấu nhau, gửi tin nhắn "khủng bố" qua mạng xã hội, đánh cắp mật khẩu, đặt biệt danh "xấu", đăng hình nhạy cảm của bạn lên mạng xã hội, đặt điều không đúng về bạn của mình trên các nền tảng trực tuyến… và 51.7% trong số này báo cáo rằng mình đã bị bắt nạt trực tuyến ít nhất một lần trong đời.

Theo nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục: "Đây là những con số đáng báo động về thực trạng bắt nạt trực tuyến hiện nay và nó cảnh báo rằng, bạo lực học đường đã không còn là những "tác động vật lý" nữa, mà đã "biến tướng" trở thành một "tác động tinh thần" một cách toàn diện trên mọi nền tảng thời 4.0" đồng thời đề xuất: "Trước thực trạng này, cần quan tâm nhiều hơn trong việc triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường, nhất là các chương trình phòng ngừa tâm lý học đường để trang bị cho học sinh hiểu biết đúng và cách ứng phó phù hợp với vấn nạn này".

Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với hai thành viên trong nhóm nghiên cứu ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là tiến sĩ tâm lý Giang Thiên Vũ và thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thanh Huân để hiểu rõ hơn về bạo lực học đường (BLHĐ).

Bạo lực học đường, 'ngọn lửa âm ỉ' nhưng chưa có 'biện pháp dập tắt' hiệu quả - Ảnh 2.

Tiến sĩ tâm lý Giang Thiên Vũ

PHONG LINH

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thưa tiến sĩ tâm lý Giang Thiên Vũ, cảm giác của ông như thế nào khi đọc được những tin tức về thực trạng BLHĐ trong thời gian qua?

BLHĐ không phải là một hiện tượng tâm lý – xã hội quá mới mẻ, nhưng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuyên suốt các giai đoạn, bối cảnh khác nhau. Vấn đề BLHĐ đã được gióng lên hồi chuông cảnh báo từ những năm 2000, kéo dài cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một hướng giải quyết phù hợp cho vấn đề này vì các hình thức bạo lực, diễn tiến tâm lý của nạn nhân bị bạo lực, cũng như đặc điểm tâm lý của học sinh (dù là nạn nhân hay người thực hiện) đều rất khác nhau trong bối cảnh hiện nay.

Trước thực tế này, có thể nói mỗi người chúng ta đều cảm thấy khá lo lắng về diễn tiến phức tạp của các hình thức BLHĐ cũng như sự trăn trở về các biện pháp xây dựng trường học hạnh phúc, thân thiện ở các trường phổ thông hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang hòa mình vào dòng chảy phát triển của công nghệ. Ở đây, cần có những cái nhìn khách quan, nghiêm túc về vấn đề này và định hướng các giải pháp có tầm nhìn song song với các biện pháp quyết liệt giải quyết đúng trọng tâm, thiên về phòng ngừa và cả kiểm soát…

Bạo lực học đường, 'ngọn lửa âm ỉ' nhưng chưa có 'biện pháp dập tắt' hiệu quả - Ảnh 3.

Vấn đề BLHĐ đã được gióng lên hồi chuông cảnh báo từ những năm 2000

CHỤP MÀN HÌNH

Thưa ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến BLHĐ suốt thời gian qua?

Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố dẫn đến BLHĐ ở học sinh hiện nay. Có thể đề cập đến một số nguyên nhân chủ quan về tâm lý lứa tuổi như: tính hiếu thắng, muốn chứng tỏ bản thân ở tuổi học trò, xích mích, có mâu thuẫn từ trước, học sinh xem nhiều cảnh bạo lực trong phim ảnh, sách báo rồi học theo, hùa theo các bạn khác.

Nguyên nhân khách quan có thể đề cập đến là chưa được bố mẹ quan tâm giáo dục về hành vi bạo lực, giáo viên trong trường không kiểm soát được các hoạt động của học sinh, các hình thức kỷ luật về bạo lực học đường chưa có tính răn đe giáo dục, bạn bè rủ rê, dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường hoặc công tác tư vấn tâm lý học đường triển khai chưa hiệu quả... Tất cả tạo thành một nền móng không vững chắc, không thể phòng ngừa được BLHĐ xảy ra trong trường học, và dẫn đến những thực tế như chúng ta đã thấy.

Cũng cần nhấn mạnh rằng tồn tại xã hội cũng là một trong những tác động sâu sắc nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy, cảm thấy và khó có thể làm học đường không bị ảnh hưởng.

Vậy nguyên nhân nào là nguyên nhân chính, thưa ông?

Không thể xác định đâu là nguyên nhân chính dẫn đến BLHĐ được vì đây là hiện tượng tâm lý – xã hội có sự khác biệt giữa các cá nhân với nhau. Với trường hợp này thì mất kiểm soát về cảm xúc là nguyên nhân chính, nhưng với trường hợp khác lại xuất phát từ việc bị "ám ảnh" bởi hành vi bạo lực sẵn có trong gia đình, rồi cá nhân đó có xu hướng thực hiện hành vi này lên người khác.

Do đó, muốn giải quyết được vấn nạn BLHĐ, phải tùy trường hợp mà đưa ra cách ứng xử linh hoạt. Cần nhấn mạnh là nếu xem xét biện chứng chúng ta làm cho trường học hạnh phúc hơn, làm cho học sinh biết bao dung, cảm thông hơn và nhất là chúng ta kiểm soát dần vấn đề nội tại của mình thì có lẽ làm cho học sinh cảm thấy cân bằng hơn và dần tránh đi những biểu hiện hành vi bạo lực trong cuộc sống…

Bạo lực học đường, 'ngọn lửa âm ỉ' nhưng chưa có 'biện pháp dập tắt' hiệu quả - Ảnh 4.

Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố dẫn đến BLHĐ ở học sinh hiện nay

CHỤP MÀN HÌNH

Có ý kiến cho rằng vấn đề tham vấn học đường hiện nay chưa tốt, chưa thực hiện tốt theo quy định được nêu ra trong thông tư 31/ 2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông nên đã trở thành nguyên nhân dẫn đến BLHĐ, ông có nghĩ vậy không?

Không thể quy chụp một chiều như vậy khi chúng ta chưa thể đánh giá một cách hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường có tốt hay không ở các trường phổ thông hiện nay, vì đã có văn bản hướng dẫn cách đánh giá đâu? Và không phải trường nào cũng có người làm công tác này chuyên trách và có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ tâm lý, phòng ngừa BLHĐ cho học sinh.

Chúng ta có thể nhìn thấy ngay cả vấn đề Luật định cũng được ban hành và đi vào đời sống, mỗi người đều có thể trưởng thành đủ để ý thức về hành vi, thái độ và sự ứng xử của mình nhưng vẫn xảy ra những vấn đề liên quan đến bạo hành, vi phạm pháp luật rất đau lòng… Nói vậy để thấy rằng chúng ta tham vấn hay tư vấn là cần góp sức, cần tác động trọng điểm nhưng không thể "áp chế" đó là cứu cánh duy nhất hay giải pháp vạn năng để giải quyết vấn đề bạo lực học đường… Còn đó trách nhiệm của giáo dục nói chung, dạy học các môn học; còn đó giáo dục gia đình và cả sức mạnh của toàn xã hội trong đó có truyền thông…

Cũng có ý kiến bảo rằng việc chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường hiện nay chưa tốt? Quan điểm của ông về ý kiến này?

Chúng ta không thể phủ nhận những nỗ lực mà các trường học đã cố gắng làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường cho học sinh. Đơn cử như Phòng GD-ĐT Quận 3 (TP.HCM) đã phối hợp hẳn với đơn vị có chuyên môn về tham vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh để cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý học đường cho hơn 46.000 học sinh của quận. Vấn đề chúng ta cần quan tâm ở đây chính là làm thế nào để quản lý được chất lượng của công tác tư vấn tâm lý học đường ở các trường phổ thông, cũng như làm thế nào để bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực tư vấn tâm lý và chăm sóc tinh thần học sinh cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh để cùng phối hợp trong việc phòng ngừa BLHĐ nói riêng, các vấn đề tâm lý khác nói chung ở học sinh hiện nay.

Không cứ tìm và quy gán cái này, cái kia chưa tốt nhất là đó là các tác động mang tính biện chứng… Mỗi con người chúng ta cần nhìn lại chính mình trong cuộc sống này và nhận ra bản thân chúng ta có bị áp lực, có bị căng thẳng, có bị mất cân bằng? Nếu có thì chúng ta cũng cần nhìn về đời sống học sinh cũng như vậy hay còn hơn thế. Hãy tiếp cận bằng tư duy rộng thay vì cứ quy gán cho điều này hay điều khác dù có thể đó là biểu hiện…

Bạo lực học đường, 'ngọn lửa âm ỉ' nhưng chưa có 'biện pháp dập tắt' hiệu quả - Ảnh 5.

Muốn giải quyết vấn nạn BLHĐ, phải tùy trường hợp để đưa ra cách ứng xử linh hoạ

CHỤP MÀN HÌNH

Phải mở rộng được mạng lưới hỗ trợ, các đường dây nóng hỗ trợ học sinh bị BLHĐ 

Có những sự việc, như mới đây ở Nghệ An, nữ sinh đã nhiều lần chia sẻ với gia đình, thầy cô, nhưng vấn đề bạn bị BLHĐ không được quan tâm, để rồi bạn phải tìm cách tự tử. Làm thế nào để có thể ngăn ngừa những trường hợp tương tự?

Đây là một thực tế đau thương khiến chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến việc rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng đồng hành, hỗ trợ và lắng nghe học sinh dành cho giáo viên cũng như phụ huynh.

Việc ngăn ngừa như thế nào sẽ tùy trường hợp, nhưng điều cốt lõi phải thực hiện được chính là nâng cao được nhận thức của phụ huynh, giáo viên và cả học sinh về vấn nạn BLHĐ và cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn phù hợp. Có thể công tác tư vấn tâm lý học đường ở trường đó làm chưa hiệu quả, nhưng không có nghĩa là đơn vị khác làm không hiệu quả? Nếu không tìm được sự trợ giúp ở đây thì ta tìm ở nơi khác, thậm chí cả tìm kiếm từ các nền tảng trực tuyến cũng cần phải xem xét.

Điều quan trọng là phải mở rộng được mạng lưới hỗ trợ, các đường dây nóng hỗ trợ học sinh bị BLHĐ hoặc có nhu cầu trợ giúp tâm lý, để các em không chọn hướng giải quyết cuối cùng là kết thúc cuộc đời của mình.

Với những nạn nhân đang bị BLHĐ, ông khuyên gì với họ?

Dưới góc độ là người hỗ trợ tâm lý, chỉ có thể khuyên các bạn đã và đang bị BLHĐ rằng hãy nói ra, hãy chia sẻ về sự việc đó với người mà bạn tin tưởng, hoặc chí ít bạn phải biết cách "cầu cứu", tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhà chuyên môn hoặc các lực lượng xã hội như công an khu vực, cán bộ xã hội ở nhà văn hóa, hội phụ nữ… Tuyệt đối không được giữ im lặng! Mọi vấn đề đều có thể được giải quyết khi bạn gửi gắm tâm tư, nhu cầu "đúng địa chỉ".

Bạo lực học đường, 'ngọn lửa âm ỉ' nhưng chưa có 'biện pháp dập tắt' hiệu quả - Ảnh 6.

Gia tăng nguy cơ về thực hiện hành vi tự sát ở những cá nhân bị BLHĐ

CHỤP MÀN HÌNH

Người bị BLHĐ có thể gặp phải những hậu quả, hệ lụy gì trong cuộc sống, thưa ông?

Không thể đưa ra chẩn đoán một cách chuẩn xác về hậu quả, hệ lụy trong cuộc sống của nạn nhân bị BLHĐ được vì mỗi cá nhân sẽ có cách tiếp nhận, đương đầu và xử lý tổn thương tâm lý do BLHĐ gây ra khác nhau. Nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là gia tăng nguy cơ về thực hiện hành vi tự sát ở những cá nhân bị BLHĐ vì không thể kiểm soát, chịu đựng được sự "khắc nghiệt" trong đời sống tinh thần cũng như sự "dày vò", "làm ngơ", "vô tâm" của gia đình, bạn bè, thầy cô giáo, xã hội…

Với những người bị BLHĐ gặp những tổn thương, hệ lụy, thì làm thế nào để giúp họ trở lại cuộc sống bình thường, học tập bình thường?

Sẽ không có một giải pháp cụ thể hoặc một "liều thuốc" nào giúp "trị" tận gốc tổn thương tâm lý do bị BLHĐ gây ra. Cách tốt nhất để hỗ trợ những nạn nhân này trở lại cuộc sống, học tập bình thường chính là sự đồng hành, nâng đỡ, trợ giúp liên tục từ các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, trong đó vai trò của bố mẹ, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường rất quan trọng. Đây chính là thời điểm mà công tác tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường dành cho học sinh cần được đẩy mạnh với những định hướng rõ ràng về cơ chế, nguồn lực, định hướng đào tạo và bồi dưỡng để đáp ứng các yêu cầu mới này.

Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.