Miếng ngon "đãi" khách
Tính đến nay, các doanh nghiệp VN hoạt động trong lĩnh vực logistics phát triển rất nhanh, cả nước có tới 2.000 doanh nghiệp. Lĩnh vực quan trọng nhất trong logistics Việt Nam là vận tải biển với hơn 90% hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhưng hiện nay doanh nghiệp trong nước chỉ mới đáp ứng chuyên chở được khoảng 20% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, còn lại do các doanh nghiệp nước ngoài chi phối.
Đáng buồn hơn nữa là các doanh nghiệp trong nước chỉ đóng vai trò "vệ tinh" cho các công ty logistics nước ngoài. Chỉ đảm nhận một phần trong chuỗi hoạt động logistics như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi... Trong khi dịch vụ logistics là một quy trình hoàn chỉnh gồm toàn bộ công việc liên quan đến cung ứng, vận chuyển, theo dõi sản xuất, kho bãi, làm thủ tục phân phối... Tổng giám đốc người nước ngoài của một tập đoàn đa quốc gia có văn phòng tại TP.HCM cho rằng, nếu xét trên tiêu chí này, VN chưa có công ty logistics thực sự nào.
Theo Quy hoạch phát triển vận tải biển VN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí đầu tư cho đội tàu, các trung tâm phân phối hàng hóa dịch vụ logistics từ nay đến năm 2020 khoảng 270.000 - 290.000 tỉ đồng, do các DN tự huy động. |
Liên kết để giành lại thị phần
Theo điều 133 Luật Thương mại, dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao. |
Theo một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, hiện thị trường VN đã có mặt nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực logistics trên thế giới. Vì vậy, muốn cạnh tranh các doanh nghiệp trong nước phải tính đến chuyện liên kết với nhau để trở thành một tổ chức mạnh. Có đủ tiềm lực tài chính, nhân lực, kỹ thuật... trong cuộc chiến giành lại thị phần với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, phải có trung tâm đào tạo chính cho ngành này, bởi logistics vận động và phát triển không ngừng. Các trung tâm này phải liên kết với các trường đào tạo logistics nổi tiếng trên thế giới để cập nhật kiến thức, kinh nghiệm liên tục.
Trong Quy hoạch phát triển vận tải biển VN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dịch vụ logistics cũng được nhấn mạnh đặc biệt cùng với dịch vụ vận tải đa phương thức với chất lượng cao, hướng đến dịch vụ trọn gói và mở rộng ra nước ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập. Quy hoạch này cũng đưa ra hàng loạt các giải pháp, chính sách để phát triển dịch vụ logistics, trong đó trước mắt sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, quản lý đầu tư và khai thác cơ sở hạ tầng cảng biển phù hợp với tình hình và xu hướng phát triển của VN, đồng thời luật hóa các cam kết của VN trong khuôn khổ WTO.
Quy hoạch còn đề cập đến giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cảng biển VN và thủ tục đăng ký tàu biển; nhanh chóng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai cảng vụ điện tử, hải quan điện tử, thực hiện chính sách một cửa để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền ra vào cảng biển; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phát triển để khuyến khích đầu tư và quản lý có hiệu quả các trung tâm phân phối hàng hóa, cảng nội địa để hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics; nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp để xây dựng, thu hút đầu tư cho dịch vụ logistics Việt Nam...
Lời giải đã có, nhưng việc triển khai nhanh, đồng bộ và bài bản mới có thể giúp được chúng ta trong việc lấy lại thị phần và mở rộng dịch vụ này sang các nước bên cạnh. Đặc biệt là khi các cảng quốc tế lớn trong nước đã và đang triển khai đi vào hoạt động.
Nguyên Hằng - Mai Vọng
Bình luận (0)