U nhú có cuống thường gặp ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên với các tổn thương thường nhỏ, mọc thành chùm hoặc đơn độc và có màu hồng nhạt. Các u nhú này thường khu trú ở kết mạc mi, kết mạc cùng đồ và có thể xuất hiện ở một mắt hoặc cả hai mắt.
ác nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu và nhận thấy rằng phần lớn các trường hợp u nhú có cuống là do nhiễm HPV (human papilloma virus) tuýp 6,11 ở kết mạc. HPV này thường lây truyền từ âm đạo của người mẹ sang kết mạc của trẻ sơ sinh trong quá trình chuyển dạ khi sinh.
U nhú không có cuống hiếm gặp và xuất hiện ở độ tuổi trung niên, tổn thương thường lớn hơn ở người trẻ nhưng xuất hiện đơn độc và ở một mắt. U nhú dạng này có thể do nhiễm HPV tuýp 16 và 18 và hay gặp ở kết mạc nhãn cầu hoặc cạnh rìa giác mạc, nhiều khi chẩn đoán nhầm với ung thư biểu mô tế bào vảy.
U nhú biểu hiện bằng sự phát triển của biểu mô dạng nhiều thùy và mỗi thùy có một mạch máu trung tâm, xung quanh là các tế bào gai, lớp biểu mô tế bào vảy không sừng hóa có chứa một số tế bào tiết nhầy. Hầu hết u nhú ở trẻ em có một số biến đổi của các tế bào hình đài tiết nhầy và thường được phủ bởi lớp biểu mô vảy. Có một số tế bào lớn và nhân bắt màu nhiều và loạn sản ở mức độ nhẹ.
Về mặt điều trị thì phương pháp chủ yếu là phẫu thuật nhưng tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật khá cao, nhất là những trường hợp u nhú do nhiễm virus. Vì vậy, người ta thường sử dụng phương pháp phẫu thuật kết hợp lạnh đông.
Một số nghiên cứu đã chứng minh được rằng việc áp lạnh bổ sung sau phẫu thuật ở bờ chỗ cắt bỏ đã làm giảm tỉ lệ tái phát từ khoảng 30% xuống dưới 10%. Với những trường hợp u nhú tái phát nhiều lần thì ngoài các phương pháp nói trên, để hạn chế tái phát thì người ta còn có thể kết hợp với sử dụng hóa chất trong điều trị.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)