Đề văn gây tranh cãi: 'Tại sao bắt học trò phải thuộc lòng ngữ liệu trong SGK?'

Bích Thanh
Bích Thanh
21/12/2023 19:00 GMT+7

Trước việc một đề văn gây tranh cãi vì không đưa dữ liệu vào câu nghị luận văn học, giáo viên bày tỏ quan điểm về việc nên hay không đưa nội dung này vào đề kiểm tra.

Đề văn gây tranh cãi: Ca sĩ quên lời, giáo viên quên giáo án!- Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM đang trong giai đoạn kiểm tra học kỳ 1

BÍCH THANH

Như Báo Thanh Niên đã thông tin, đề kiểm tra học kỳ 1 môn ngữ văn lớp 12 hôm 19.12 của Trường THCS-THPT Hồng Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM) gây tranh cãi khi yêu cầu học sinh phân tích "sự tài hoa nghệ sĩ" của ông lái đò (trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân) trong lúc chiến đấu với ba trùng vi thạch trận, nhưng lại không đưa ra bất kỳ ngữ liệu nào. 

Cụ thể, phần 2-Viết văn bản (5 điểm) của đề kiểm tra có nội dung: "Có ý kiến cho rằng "Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa trên mặt trận sông nước". Phân tích sự tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò trong tùy bút "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân khi chiến đấu với ba trùng vi thạch trận. Từ đó trình bày hiểu biết của anh/chị về quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám (chỉ trình bày quan niệm về con người)".

Câu hỏi này đang gây tranh cãi vì được cho là đưa ra yêu cầu quá nặng nề so với mức độ của một bài kiểm tra học kỳ và đòi hỏi học sinh phải học thuộc dữ liệu của một tác phẩm văn xuôi khó về văn phong, ngôn ngữ do phong cách của nhà văn Nguyễn Tuân tài hoa, uyên bác…

Từ đó giáo viên đưa ra những quan điểm, ý kiến về việc có nên đưa ngữ liệu vào đề kiểm tra hay không? Nếu đưa thì đưa như thế nào? Học sinh có nên học thuộc lòng hết ngữ liệu không? Xu hướng ra đề thi hiện nay?...

Đề văn gây tranh cãi: Ca sĩ quên lời, giáo viên quên giáo án!- Ảnh 2.

Đề ngữ văn gây tranh cãi

PHCC

Ngữ liệu là cần thiết

Giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), bày tỏ quan điểm: "Việc đưa ngữ liệu vào đề thi là cần thiết, tránh cho học sinh phải học thuộc lòng quá nhiều thứ. Một ca sĩ đi hát cả trăm lần bài 'hit' của mình, vẫn có lúc quên lời bài hát. Việc giáo viên có lúc chợt quên một chỗ nào đó trong giáo án cũng là chuyện bình thường. Diễn viên quên thoại cũng không hiếm. Vậy tại sao chúng ta bắt học trò phải thuộc lòng ngữ liệu trong sách giáo khoa?".

Theo thầy Đức Anh, thơ có vần điệu còn dễ học, còn ngữ liệu văn xuôi sẽ rất khó nhớ. Nếu có nhớ thì học sinh cũng chỉ nhớ được những câu văn thật đặc biệt ấn tượng. Vì vậy, thầy Đức Anh cho rằng, đề kiểm tra học kỳ hay đề thi không trích ngữ liệu sẽ làm khó thí sinh. 

"Người ra đề cần trích ngữ liệu để giới hạn phạm vi phân tích và học sinh không phải học thuộc lòng. Đoạn trích ngữ liệu trong sách giáo khoa phải là đoạn tiêu biểu, có độ dài vừa phải, để học sinh cảm thụ phân tích. Và hơn cả là phù hợp với trình độ đa dạng của học sinh", thầy Đức Anh lưu ý.

Riêng với nghị luận văn học, thầy Đức Anh đưa ra lời khuyên: "Học sinh không nhất thiết phải học thuộc lòng toàn bộ ngữ liệu sách giáo khoa nhưng cần thuộc một số câu tiêu biểu, những câu mà mình thấy hay và ấn tượng. Thay vì học thuộc lòng, hãy rèn luyện kỹ năng cảm thụ, kỹ năng phân tích những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Biết cách để triển khai bài viết. Thực hành diễn đạt, trau dồi vốn từ. Biết đưa cảm xúc vào bài viết. Biết cách chia tách luận điểm, lý lẽ và tìm dẫn chứng bằng những câu văn, câu thơ trong văn bản. Nên tìm những văn bản cùng đề tài để thực hiện thao tác so sánh đối chiếu".

"Tôi không tin một nhà phê bình chuyên nghiệp nào thuộc cả đoạn văn dài của một nhà văn. Ở bậc phổ thông, chúng ta đâu cần một học sinh thuộc như một con vẹt một đoạn văn hay một bài thơ mà là khả năng cảm thụ, kỹ năng phân tích, diễn đạt. Đâu phải học sinh nào cũng khao khát văn chương. Đề văn cũ kỹ, nặng nề sẽ khiến học sinh phải gồng lên để học thuộc lòng, học vẹt, cố bắt chước để viết như những nhà phê bình… chỉ e sẽ làm các em sợ môn văn hơn. Hãy là những đề văn gợi mở, có đất cho học sinh sáng tạo, và tạo được cảm giác hứng thú khiến học sinh muốn viết, muốn giãi bày", giáo viên Đỗ Đức Anh bày tỏ quan điểm.

Nên khuyến khích học sinh thuộc những tác phẩm thơ, văn hay tiêu biểu làm lay động lòng người

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ thời THPT của mình trong thập niên 90 thế kỷ trước, đề kiểm tra học kỳ hay đề thi học sinh giỏi, đề thi tốt nghiệp THPT hay thi ĐH thường là hàng chục câu thơ, thậm chí nguyên một bài thơ. Đề bài yêu cầu thí sinh phân tích hoặc bình giảng nội dung của đoạn trích hoặc bài thơ. Thậm chí, có đề thi lấy tiêu đề bài thơ rồi yêu cầu học sinh bình giảng cái hay cái đẹp của bài thơ mà không đưa ra ngữ liệu.

Đối với phần nghị luận văn học cũng vậy, đề thi yêu cầu học sinh phân tích một nhân vật nào đó trong tác phẩm mà hoàn toàn không có hoặc đưa ra ngữ liệu.

Nếu muốn làm bài tốt và "đậu" tốt nghiệp và đại học vào thời đó, học sinh phải thuộc lòng một số đoạn trích hay của bài thơ hoặc nắm được nội dung tác phẩm.

Thời nay, tôi nghĩ rằng giáo viên, phụ huynh có thể không ép buộc nhưng cũng nên khuyến khích học sinh học thuộc lòng những bài thơ hay, những tác phẩm văn xuôi tiêu biểu, nổi tiếng. Bởi văn học chính là nhân học. Đó cũng chính là cách khuyến học, khuyến đọc, nhất là những tác phẩm thơ, văn hay, là những kiệt tác đi cùng thời gian năm tháng.

Nguyễn Đước

Lúc nào đưa, lúc nào không đưa ngữ liệu vào đề thi? 

Ở những đề kiểm tra như giữa kỳ, cuối kỳ, không nhất thiết phải đưa ngữ liệu cụ thể (đoạn văn, đoạn thơ) vào đề như đề thi tốt nghiệp THPT. Vì sao? Thi tốt nghiệp THPT không giới hạn ôn tập nên học sinh phải học hết các tác phẩm (ngoại trừ phần đọc thêm) nên khi thi, đề cần có ngữ liệu cụ thể để phần nào không làm khó học sinh. Còn với những đề kiểm tra tại trường, hầu hết các trường đều giới hạn tác phẩm cụ thể nên không nhất thiết phải đưa ngữ liệu vào đề.

Thái Hoàng 


Xu thế ra đề ngữ văn 

Giáo viên Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM), cho rằng học văn và kiểm tra đánh giá sau khi học - phần nghị luận văn học là kiểm tra đánh giá các kỹ năng. Đó là kỹ năng đọc, hiểu, cảm nhận về các tác phẩm văn học và kỹ năng trình bày (kỹ năng viết) những hiểu biết, cảm nhận của học sinh về tác phẩm ấy, kỹ năng chọn lọc chi tiết tiêu biểu... để trình bày. Chứ không phải kiểm tra việc học thuộc lòng tác phẩm, nhất là tác phẩm văn xuôi khá dài. Vì vậy, khi ra đề kiểm tra đánh giá nên cho ngữ liệu cụ thể.

Theo tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Trưng Vương, nhiều năm nay đề văn minh họa và đề thi tốt nghiệp THPT luôn đưa ra ngữ liệu. Trong xu thế sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018, việc đưa dữ liệu vào đề kiểm tra, đề thi là cần thiết.

Đề văn gây tranh cãi: Tại sao bắt học trò phải thuộc lòng ngữ liệu trong SGK? - Ảnh 4.

Học sinh lớp 10 học ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đồng quan điểm trên, ông Trương Đức, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho rằng việc đưa ngữ liệu trong đề thi đã trở thành một quy luật bắt buộc trong suốt thời gian qua. Trong quá trình tập huấn cách ra đề và chấm bài kiểm tra, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng định hướng kỹ năng tư duy chứ không tập trung khả năng ghi nhớ. Chính vì thế, nếu bắt buộc học sinh phải học thuộc dữ liệu từ đó mới có thể triển khai phân tích là không đúng với tinh thần đổi mới trong giáo dục, tạo áp lực nặng nề cho học sinh.

Giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn cho rằng cần phải đưa ngữ liệu vào đề văn để học sinh phân tích chứ không cần học thuộc lòng ngữ liệu. Nếu có, các em chỉ cần học thuộc vài nét phong cách sáng tác của nhà văn và kiến thức cơ bản của văn bản văn học như hoàn cảnh sáng tác, mục đích sáng tác…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.