Đề văn tốt nghiệp THPT: Lối mòn 'tiêu diệt' sáng tạo hay phù hợp mục đích thi?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
27/06/2024 15:21 GMT+7

Bình luận về đề văn tốt nghiệp THPT 2024 có ý kiến cho rằng đề thi theo 'lối mòn, rập khuôn máy móc' dù sau 20 năm tư duy con người đã thay đổi quá nhiều nhưng đề văn vẫn đi về lối cũ. Tuy nhiên cũng có nhận định đề như vậy là phù hợp.

Đề văn tốt nghiệp THPT:  Lối mòn 'tiêu diệt' sáng tạo hay phù hợp mục đích thi?- Ảnh 1.

Thí sinh thi xong môn văn tốt nghiệp THPT 2024 sáng nay

THÚY HẰNG


Sáng nay, 27.6, hơn 1 triệu thí sinh cả nước thi xong môn ngữ văn tốt nghiệp THPT 2024. Tại nhiều điểm thi ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác đều ghi nhận thí sinh vui mừng vì "trúng tủ", "đoán trúng đề văn vào bài Đất Nước". Tuy nhiên, một số giáo viên nhận xét đề văn tốt nghiệp THPT "lối mòn, tiêu diệt sáng tạo văn chương, hy vọng sang năm sẽ có những đề thi đúng với bản chất của việc học văn". PV Thanh Niên ghi nhận những ý kiến tranh luận của các giáo viên về chủ đề này.

Quả thực đề thiếu sức hấp dẫn, song...

Một tổ trưởng chuyên môn, giáo viên ngữ văn trường phổ thông tại TP.HCM cho rằng: "Đề thi ở cấp độ quốc gia nó đòi hỏi sự ổn định và đây là đề thi 2 trong 1 (vừa để tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào các trường đại học) nên mức độ vừa sức, phân hóa được học sinh sẽ là ưu tiên lớn. Hiển nhiên việc học sinh làm tốt được đề thi là đã có năng lực đọc, viết, thể hiện được phẩm chất cần có. Đổi mới, sáng tạo thì đâu là giới hạn?".

Bộ GD-ĐT khẳng định: Đề thi văn không bị lộ, bảo mật tuyệt đối

Giáo viên ngữ văn này thừa nhận: "Với những trường mà học sinh khá giỏi hay với học sinh mà có tố chất văn chương rất rõ thì những đề thi như thế này quả thực thiếu sức hấp dẫn". Song, giáo viên này cho biết "đối tượng thi tốt nghiệp THPT còn là học sinh miền núi, học sinh có học lực trung bình, học sinh của chương trình giáo dục thường xuyên, nghề nghiệp, do đó đề văn tốt nghiệp THPT 2024 như vậy là phù hợp".

Đề văn tốt nghiệp THPT:  Lối mòn 'tiêu diệt' sáng tạo hay phù hợp mục đích thi?- Ảnh 2.

Đề thi văn tốt nghiệp THPT 2024

THÚY HẰNG

Cái kết đẹp cho hành trình của chương trình ngữ văn cũ

Thạc sĩ Nguyễn Mộng Tuyền, từng là giáo viên ngữ văn trường THPT, hiện là giám đốc điều hành Học viện ngôn từ, TP.HCM đánh giá: "Đề văn tốt nghiệp THPT 2024 đã thể hiện sự cân bằng giữa việc kế thừa và đổi mới, vừa bám sát cấu trúc quen thuộc vừa mang đến những điểm mới trong nội dung, góp phần đánh giá toàn diện năng lực của học sinh".

Cụ thể, theo thạc sĩ Nguyễn Mộng Tuyền, với phần văn bản đọc hiểu, đoạn trích trong tác phẩm "Dòng sông và những thế hệ của nước" (Nguyễn Quang Thiều) có tính thời sự cao, khơi gợi suy tư về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, về tính kết nối giữa quá khứ với hiện tại, về sự kế thừa để phát huy những giá trị tốt đẹp. Đồng thời, đoạn trích cũng khẳng định tầm quan trọng của sự sáng tạo và cá tính trong nghệ thuật nói riêng và cuộc sống nói chung. Các câu hỏi đọc hiểu không chỉ kiểm tra khả năng nhận biết, thông hiểu mà còn yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, liên hệ thực tế để giải quyết vấn đề.

"Câu nghị luận xã hội, đề bài về "tôn trọng cá tính" mang tính mở, tạo điều kiện cho học sinh thể hiện quan điểm cá nhân, đồng thời kiểm tra khả năng lập luận, bảo vệ ý kiến của mình bằng những lý lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Tôn trọng cá tính, tôn trọng sự khác biệt... cũng chính là vấn đề đáng quan tâm trong một xã hội luôn mới mẻ, vận động và thay đổi mỗi phút giây. Dĩ nhiên, đề sẽ "làm khó" đối với những học sinh còn thụ động, ít khi suy tư về bản thân và xã hội", thạc sĩ Nguyễn Mộng Tuyền nói.

Đề văn tốt nghiệp THPT:  Lối mòn 'tiêu diệt' sáng tạo hay phù hợp mục đích thi?- Ảnh 3.

Thí sinh sau giờ làm bài thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

THÚY HẰNG

"Câu nghị luận văn học, đoạn trích Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm) là một lựa chọn không mới, khá an toàn. Tuy nhiên ngoài yêu cầu phân tích cơ bản thì người ra đề cũng không quên phân loại thí sinh bằng yêu cầu phụ: nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả. Đối với tôi thì đây là một cái kết đẹp cho hành trình của chương trình ngữ văn cũ (Chương trình giáo dục phổ thông 2006), của cách ra đề cũ. Ở cấp độ của một kỳ thi tốt nghiệp thì đề khá ổn và vừa sức học sinh", thạc sĩ Mộng Tuyền trao đổi.

"Tư duy con người đã thay đổi, đề thi văn vẫn rập khuôn, máy móc"

Trao đổi với PV Thanh Niên, cô Phan Thị Mỹ Huệ, giáo viên Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, Giám đốc công ty TNHH Giáo dục Thiên An, TP.HCM, nhận định: "Trước hết đề thi văn tốt nghiệp THPT 2024 nhẹ nhàng, tạo tâm lý thoải mái cho các em làm bài. Chắc chắn sau buổi thi đầu tiên, nụ cười tươi sẽ nở trên môi các em. Phần đọc hiểu với những câu hỏi đủ các mức độ và vừa sức. Phần nghị luận xã hội đề cập đến vấn đề giới trẻ đang quan tâm, như vậy cũng đúng tinh thần. Phần nghị luận văn học thì cũng nhẹ nhàng vừa phải với các em".

Tuy nhiên, cô Mỹ Huệ cũng trao đổi thẳng thắn về cách ra đề thi, nhìn trong quá khứ cho tới hiện tại. Cô Mỹ Huệ nói: "Tôi đã dạy hơn 20 năm chương trình lớp 12, tôi thấy cách ra đề có thay đổi một chút cách nay khoảng 10 năm (chỉ thay đổi về mặt chữ nghĩa, còn tư duy không có gì mới). Năm 2018 đề thi văn tốt nghiệp THPT cũng có chút sáng tạo ở phần nghị luận văn học, nhưng đến năm 2019 lại quay về lối cũ. Hơn 20 năm, tư duy con người đã thay đổi quá nhiều, nhưng đề thi văn tốt nghiệp THPT vẫn như vậy, rập khuôn, máy móc. Tôi có cảm giác người ra đề không dám thay đổi vì sợ học sinh sẽ bối rối, sẽ không làm được bài, ảnh hưởng thành tích,...".

Nữ giáo viên hơn 20 năm dạy chương trình lớp 12 cho rằng ra đề văn tốt nghiệp THPT như trên khó tìm được những bài viết thật sự chất lượng. "Bởi vì nó không thể khơi gợi cảm xúc và đánh thức năng lực cảm thụ của các em. Tôi luôn đánh giá cao đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM. Mỗi năm tôi đều nôn nao để chờ đợi được đọc đề, mặc dù tôi không dạy lớp 9. Tôi mong rằng chương trình mới sẽ có cách ra đề mới, sẽ trả lại cho môn ngữ văn những đề thi thực sự phù hợp với đặc thù môn học", cô Phan Thị Mỹ Huệ thẳng thắn.

Đề văn tốt nghiệp THPT:  Lối mòn 'tiêu diệt' sáng tạo hay phù hợp mục đích thi?- Ảnh 4.

Phụ huynh đợi con ngoài trường thi tốt nghiệp THPT 2024

NHẬT THỊNH

"Tình yêu với văn học không xuất phát từ những đề văn hay"

Ngược lại, một giáo viên khác tại TP.HCM cho rằng tình yêu với văn học không xuất phát từ đề văn hay. Tức đề văn tốt nghiệp THPT không ảnh hưởng tới tình yêu, sự đam mê với môn văn của học sinh.

Giáo viên này chia sẻ góc nhìn: "Tôi nghĩ là tình yêu đối với văn học không xuất phát từ những đề văn hay. Nếu học sinh đã yêu văn, đối diện với một tác phẩm văn học đã cũ, đối diện với một đề văn không lạ, thì em ấy vẫn có thể nhìn thấy những khía cạnh rất mới theo cách của mình. Ta không thể đòi hỏi cách ra đề mới ở một lộ trình dạy đã cũ. Có chăng thì hãy chờ đợi đề văn tốt nghiệp THPT 2025 xem sẽ có những đột phá nào".

"Tôi cho rằng bản chất của học văn là tìm ra vẻ đẹp của cuộc sống dù cuộc sống còn thô mộc và lắm khi xấu xí, không phải đợi cuộc sống đẹp rồi mới ca tụng. Tương tự vậy, không nên đợi đề hay rồi mới bảo đó là bản chất của học văn, quan niệm dở hay cũng tùy cảm nhận. Tôi nghĩ không có gì hoàn hảo, không thể làm vừa lòng tất thảy, chỉ là bản thân ta nên tự tạo ra suy nghĩ tích cực và góp phần làm đẹp thêm cho ngành giáo dục, cho môn học, bằng sự sáng tạo của chính mình", thạc sĩ Mộng Tuyền nêu ý kiến.

Độc giả có suy nghĩ gì về đề văn tốt nghiệp THPT 2024? Xin vui lòng để lại ý kiến vào ô bình luận cuối bài. Trân trọng cảm ơn!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.