Để ‘vượt vũ môn’

07/03/2014 14:47 GMT+7

Trong lộ trình “giảm tải” thi cử, kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm nay chỉ còn 4 môn, trong đó văn và toán là hai môn bắt buộc, hai môn còn lại là tự chọn trong sáu môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ.

Trong hai môn tự chọn ấy, một câu hỏi được đặt ra mà chính thí sinh phải tự trả lời, đó là chọn hai môn nào?  Ai cũng có thể trả lời “đáp số” cho câu hỏi trên mà không cần phải suy nghĩ nhiều: học khá giỏi thì chọn môn nào cũng được, còn học yếu thì môn nào cũng khó! Tuy nhiên, trong cái khó ấy, nếu biết lượng sức thì thí sinh vẫn còn cách để có thể “vượt vũ môn” mà không sợ bị trượt vỏ chuối trong kỳ thi sau 12 năm đèn sách này.

Trong sáu môn mà thí sinh phải tự chọn ra hai môn ấy thì ba môn vật lý, hóa học và sinh học được thi dưới hình thức trắc nghiệm. Có lẽ nhiều thí sinh, cả học lực khá lẫn học yếu sẽ chọn hai trong ba môn này  vì thời gian thi chỉ 60 phút/môn, có thể “tréo nhanh” rồi ... nghỉ.  Học lực yếu cũng có thể “tréo” vào ô nào mình chọn mà không phải suy nghĩ nhiều như bài tự luận. Hình thức này, khả năng “có điểm” vẫn cao hơn là thi tự luận nếu thí sinh đó “cắn bút” trước đề thi. Một môn nữa cũng chỉ diễn ra trong 60 phút nhưng một nửa là tự luận, một nửa là trắc nghiệm, đó là môn ngoại ngữ. Không cần phải suy nghĩ nhiều nếu thí sinh nào học “đường được” môn ngoại ngữ thì ắt sẽ chọn. Mang tiếng “tự luận” nhưng chắc chắn là không quá khó. Sẽ có nhiều thí sinh ở các thành phố chọn môn ngoại ngữ, vừa làm nhanh (60 phút), vừa dễ có điểm. Có lẽ đây là cuộc “thử nghiệm” đầu tiên nên Bộ GD-ĐT mới đưa môn ngoại ngữ vào “khung” tự chọn chứ chắc chắn dăm ba năm nữa, ngoại ngữ phải là môn thi bắt buộc như văn và toán.

Có lẽ hai môn còn lại là lịch sử và địa lý sẽ được xếp vào dạng “ế”. Thứ nhất là phải thi tự luận, thời gian lại 90 phút nên sẽ rất khó hấp dẫn thí sinh để các em chọn. Thứ hai, đây là hai môn “học thuộc lòng”, một hình thức mà hỏi bất cứ học sinh phổ thông nào hiện nay cũng đều ngán ngẩm. Lịch sử và địa lý là hai môn học lẽ ra phải rất hấp dẫn học sinh, thế nhưng, vì những lí do khác nhau, hai môn học này trở thành “gánh nặng” cho cả thầy lẫn trò. Do đó, việc chọn hai môn lịch sử và địa lý để thi là điều rất hiếm. Dĩ nhiên, những học sinh nào có ý định thi đại học khối C (văn, sử, địa) thì không có cách lựa chọn nào khác.

Kỳ thi tốt nghiệp PTTH đã cận kề. Dù còn 3 tháng nữa mới đến nhưng hơi thở của thi cử đã phả vào gáy của từng học sinh. Chọn môn nào để thi là câu hỏi vừa dễ, lại vừa khó khăn. Nhưng dù là tự luận hay trắc nghiệm, dù 90 phút hay 60 phút, dù lịch sử hay vật lý thì cũng phải miệt mài đèn sách thì mới mong đỗ được. Không một thí sinh nào sẽ đỗ nếu như học thì nhác mà chơi game thì siêng cả!

Hải Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.