Đây cũng là nội dung quan trọng tại hội thảo khoa học Hành trình phát triển bánh mì VN vào chiều qua 31.3 (sự kiện thuộc khuôn khổ Lễ hội bánh mì VN lần 1 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM từ 30.3 - 2.4), với sự tham gia của các đại biểu quốc tế đến từ Đài Loan, Singapore, Malaysia, Philippines, Myanmar, Pháp, Tây Ban Nha, Iran cùng hơn 50 nghệ nhân làm bánh, chủ doanh nghiệp bánh trên địa bàn TP.HCM, đại diện các khách sạn quốc tế 5 sao, các công ty du lịch lữ hành…
Hội thảo góp phần làm rõ các chủ đề gợi mở như lịch sử bánh mì VN - du nhập từ phương Tây và trở thành món ăn bản địa mang bản sắc văn hóa ẩm thực Việt; sự giao thoa văn hóa Đông - Tây và nét sáng tạo trong chế biến của bánh mì VN; sức hút và sự hấp dẫn của bánh mì VN với bạn bè quốc tế; những giải pháp phát huy giá trị bánh mì thông qua du lịch; bánh mì VN trên đường hội nhập quốc tế và định vị thương hiệu. Các nhà nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực trong và ngoài nước mang đến nhiều kết quả nghiên cứu, góp phần đưa ra các luận cứ khoa học nhằm khẳng định sự sáng tạo, khác biệt đậm dấu ấn của bánh mì VN so với bánh mì các nước trên thế giới và tiến tới việc xác lập một "Ngày bánh mì Việt Nam".
Bánh mì - hành trình sáng tạo của người Việt
Theo PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, Phó chủ tịch - Trưởng ban Đào tạo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, bánh mì VN có lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm qua cùng với sự hiện diện của người Pháp với tên gọi ban đầu là baguette. Món bánh này sau đó nhanh chóng được người Việt đón nhận và thưởng thức theo phong cách ẩm thực riêng tùy theo vùng miền. Trước năm 1945, bánh mì đã xuất hiện trên các trang báo như Lục Tỉnh tân văn, Phụ Nữ tân văn, Tràng An báo, Sài Gòn, Phóng Sự, Đông Pháp, Công Luận, Khai hóa nhật báo…
Cũng theo phát biểu đề dẫn của ông Thắng, người nước ngoài đầu tiên được báo chí trong và ngoài nước nhắc đến nhiều nhất vì đã có công lớn trong việc quảng bá bánh mì VN ra với thế giới chính là Anthony Bourdain (1956 - 2018) - vị đầu bếp lừng danh và cũng là người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng trên CNN. Năm 2009, ông ghé thăm Hội An và tìm đến thử món bánh mì Phượng rồi sau đó thương hiệu bánh mì này nổi tiếng toàn thế giới với từ khóa "Banh Mi Phuong - best Banh Mi in Vietnam".
Thời gian qua, tại TP.HCM cũng đã có một số hoạt động nhằm bước đầu khẳng định giá trị của bánh mì VN như tổ chức tuần lễ Tôi yêu bánh mì Sài Gòn, Hội thảo khoa học quốc tế Hành trình bánh mì VN: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia do Báo Thanh Niên và Hiệp hội Siêu đầu bếp VN phối hợp cùng Trường ĐH Văn Lang, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tổ chức… Nhiều văn nghệ sĩ, blogger du lịch, người nổi tiếng trong nước và quốc tế đã tích cực tham gia giới thiệu bánh mì VN trên tài khoản cá nhân. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cũng mang đến bài hát Tôi yêu Bánh mì Sài Gòn với lời rap nghe thật "ngon": "Nghe vẻ nghe ve nghe vè bánh mì: quý cô thùy mị thích bánh mì không, bánh mì chà bông dành cho bà xã, bánh mì cho cả lớn trẻ người già, từ anh xây nhà đến anh giám đốc, người chơi nhạc rock đủ kiểu Tây ta…, bánh mì thứ thiệt vươn khắp năm châu, bánh mì từ lâu đã thành văn hóa, trở thành từ khóa hiện tượng Google…". Hay mới đây, họa sĩ Lê Sa Long vừa giới thiệu dự án hội họa mang tên Bánh mì Sài Gòn.
Tất cả, không ngoài mong muốn khẳng định những giá trị có thực của bánh mì trong đời sống văn hóa ẩm thực dân tộc. Và nói như TS Hồ Tường (Trường ĐH Bình Dương), bánh mì VN, tuy có nguồn gốc từ bánh mì baguette của Pháp, thể hiện sự giao lưu văn hóa Đông - Tây, nhưng không dừng lại ở đó bởi người VN đã có nhiều sáng tạo, đặc biệt với muôn vàn loại nhân đi kèm mang đậm bản sắc từng vùng miền, để tạo nên ổ bánh mì ngon, bổ dưỡng nổi tiếng khắp thế giới, cho thấy tính cách sáng tạo một cách tài hoa của người Việt.
Bánh mì - hiện tượng văn hóa ẩm thực đặc biệt của người Việt
Như phân tích của thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín (Trường ĐH Tôn Đức Thắng), "Bánh mì VN là hiện tượng văn hóa ẩm thực đặc biệt, có một độ khúc xạ văn hóa sâu đậm và thành công. Bằng chứng rõ nét là trước bánh mì, thế giới biết đến ẩm thực Việt qua món phở trứ danh, nước mắm huyền thoại... tức là những món ăn gắn liền với văn hóa ẩm thực địa phương, do người bản địa phát minh. Thế nhưng, bánh mì có một đặc điểm đặc biệt khác, trở thành một món ăn mang bản sắc trong văn hóa ẩm thực Việt nhưng hoàn toàn là ẩm thực được du nhập, yếu tố văn hóa ngoại sinh".
Ông Tín nhìn nhận điều này cho thấy hiện tượng bánh mì VN đã làm nên sự đặc sắc, làm nổi bật, mang những nét điển hình, đặc trưng của văn hóa Việt mà nhà nghiên cứu Phan An từng nói "Bánh mì mới chính là thứ thể hiện đầy đủ và rõ nét nhất những đặc tính điển hình của văn hóa VN trong quá trình hội nhập".
Hiện tượng văn hóa ẩm thực đặc biệt này, theo thạc sĩ Tín, được thể hiện qua một số đặc điểm: Cấu trúc hóa lại hình thức ẩm thực theo văn hóa bản địa; Từ tính cá nhân đến tính cộng đồng, xã hội hóa; Từ tính nguyên tắc đến tính linh hoạt hóa trong văn hóa ẩm thực; Tính dung hòa, tổng hợp trong ổ bánh mì VN.
"Không phải ngẫu nhiên người ta gọi món bánh mì là món đa văn hóa. Có thể kể đến như: với các món gốc Hoa thì có bánh mì vịt quay, heo quay, xá xíu, xíu mại…; các món gốc Ấn thì có bánh mì cà ri gà, cà ri dê; với các món Việt thì có bánh mì chả lụa, chả cá, bì heo mỡ hành... Còn nếu kẹp các món có gốc Tây hoặc Mỹ thì khỏi phải nói, bánh mì ốp la, pa tê, phô mai, giăm bông, xúc xích…", thạc sĩ Tín cho biết và đúc kết: "Chỉ bằng cách thay thế hương vị châu Âu bằng nguyên liệu đậm chất VN, người Việt đã tạo nên một món ăn mang tầm quốc tế. Có thể nói rằng chiếc bánh mì bé nhỏ của VN đi khắp nơi trên thế giới, kết nối được nhiều tâm hồn yêu ẩm thực khác nhau. Đứng trước một món ăn ngon, không có ranh giới giữa các quốc gia, không có ranh giới giàu nghèo hay đẳng cấp, bánh mì VN đã chứng minh được điều đó. Và bằng chính sự dân dã của mình, bánh mì đã thuyết phục được thực khách khắp thế giới, ghi dấu bản sắc ẩm thực của chính người Việt".
Bánh mì trong phát triển du lịch
Dù đã trở nên nổi tiếng, được du khách quốc tế yêu thích và được nhiều tổ chức ẩm thực uy tín trên thế giới bình chọn, đánh giá cao, song, theo thạc sĩ Vũ Thị Thu Hương (Trường ĐH Văn Hiến), hiện nay ngành du lịch TP.HCM vẫn chưa tận dụng được lợi thế của sản phẩm ẩm thực này để đưa vào khai thác, phục vụ du lịch một cách hiệu quả.
Theo đó, bà gợi ý một vài giải pháp giúp phát huy giá trị thương hiệu bánh mì VN trong phát triển du lịch tại TP.HCM: giải pháp phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật (nên xây dựng một khu vực dành riêng cho ẩm thực, cho các món ăn đường phố trong đó có bánh mì tại TP.HCM); giải pháp về nguồn nhân lực (để nâng cao hiệu quả kinh doanh ăn uống nói chung và kinh doanh bánh mì nói riêng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng món ăn, các nhà hàng, quán ăn, tiệm bánh phải chú trọng hơn đến khâu phục vụ của nhân viên bởi họ chính là sứ giả mang thông điệp văn hóa đến từng du khách); giải pháp về sản phẩm (cần xây dựng kế hoạch dài hạn phát triển ẩm thực đường phố nói chung và việc kinh doanh món bánh mì nói riêng gắn liền với hoạt động du lịch); giải pháp về xúc tiến quảng bá (quảng bá thông qua các lễ hội, hội chợ, thông qua các phương tiện truyền thông, các cán bộ làm việc trong ngành du lịch - cách nhanh nhất giới thiệu bánh mì VN với khách du lịch, giúp họ thấy được cái hay, nét độc đáo của món ăn này); giải pháp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.
Với bà Thu Hương, ẩm thực chính là cách quảng bá hiệu quả hình ảnh của một nền văn hóa cũng như của một đất nước; và bánh mì - món ăn bình dị, dân dã của người dân Việt chính là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực VN, là một món ăn không thể thiếu khi nhắc đến ẩm thực VN.
Đặc sắc bánh mì Việt qua công nhận của thế giới
Ngày 24.3.2011, Từ điển Oxford của Anh ghi nhận mục từ "bánh mì". Sau đó Từ điển Merriam-Webster của Mỹ cũng bổ sung món bánh mì trứ danh của VN vào danh sách những từ mới, bên cạnh hơn 370 từ khác.
Năm 2012, tờ The Guardian của Anh xếp bánh mì VN ở vị trí thứ hai trong danh sách "10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn nhất thế giới".
Năm 2013, Tạp chí National Geographic của Mỹ chọn bánh mì VN là một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất.
Năm 2014, bánh mì VN vào top 5 loại bánh mì thịt ấn tượng nhất thế giới do trang tin nổi tiếng Huffington Post của Mỹ bình chọn. Cùng năm, BBC nhận định bánh mì VN là loại bánh mì ngon nhất thế giới.
Ngày 5.2.2015, Huffington Post đưa ra danh sách 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, trong đó, bánh mì VN đứng đầu.
Năm 2016, bánh mì cùng phở và bún chả lọt top 100 món ăn nổi tiếng thế giới, do Liên minh Kỷ lục thế giới - Worldkings và Viện Top Thế giới công bố. Cũng năm này, tác giả người Anh Graham Holiday cho ra đời quyển sách Eating Vietnam: Dispatches from a Blue Plastic Table (tạm dịch: Ăn ở Việt Nam: Câu chuyện từ chiếc bàn nhựa màu xanh), do Nhà xuất bản Ecco (Ecco Press) ấn hành ở Mỹ, giới thiệu về những món ăn đường phố ở VN, trong đó đặc biệt tán dương bánh mì VN là món ăn đường phố thuộc vào loại ngon nhất.
Năm 2017, bánh mì VN lọt top 10 món sandwich hấp dẫn nhất thế giới theo trang Traveller của Úc.
Năm 2018, bánh mì ở Hội An được CNN gọi là "Vua của các món sandwich trên thế giới".
Năm 2020, top 7 món lề đường ngon nhất do Big Seven Travel (trang web chuyên cung cấp thông tin về các điểm đến hấp dẫn trên thế giới) bình chọn. Ngày 24.3.2020, bánh mì VN xuất hiện dưới dạng hình động trên giao diện trang chủ Google tại hơn 10 quốc gia: VN, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Canada, Úc, New Zealand, Singapore, Áo... với hình ảnh chiếc bánh mì được mở ra, rồi loại thịt, rau, gia vị bay vào trông rất hấp dẫn và rất VN.
Năm 2021, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) đưa bánh mì VN vào danh sách những bữa sáng ngon nhất ở châu Á.
Năm 2022, bánh mì VN nằm trong top 23 loại bánh kẹp ngon nhất thế giới do kênh CNN Travel bình chọn.
Bình luận (0)