Đề xuất 3 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần để làm gì?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
21/07/2023 18:36 GMT+7

Đề xuất cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép tăng, giảm giá bán lẻ điện bình quân dưới 5% mỗi quý của Bộ Công thương nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.

6 tháng chưa thực hiện được...

Theo phương án mới về việc sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công thương đề nghị, EVN sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đề nghị cho tăng hay giảm giá điện...

Cụ thể, nếu giá thành điện giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ phải điều chỉnh giảm theo. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Nếu giá bình quân tăng từ 3 - 5%, EVN cũng được điều chỉnh tăng tương ứng, sau khi báo cáo các bộ ngành liên quan. Theo quy định hiện nay, mức tăng thuộc quyền hạn của EVN là 3%. Ngoài ra, dự thảo giữ nguyên quy định tăng từ 5 - 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương; tăng trên 10% phải báo cáo Thủ tướng xem xét.

Đặc biệt, tại dự thảo này, Bộ Công thương đề xuất thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng/lần kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành là 6 tháng. Như vậy, với quy định sửa đổi mới này, EVN có quyền điều chỉnh tăng giá điện bình quân từ 3 - 5% sau 3 tháng, nếu có biến động tăng chi phí sản xuất điện...

Đề xuất 3 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần để làm gì?  - Ảnh 1.

Giá điện cần được điều hành sát thị trường hơn, chứ không phải bao nhiêu tháng điều chỉnh 1 lần....

EVN

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) băn khoăn: " Quyết định 24/2017 của Thủ tướng là 6 tháng điều chỉnh giá điện bình quân một lần nhưng chúng ta đã không thực hiện được. Lần điều chỉnh giá điện bình quân 3% vào tháng 5 vừa qua cũng đã để sau 4 năm. Như vậy, đề xuất rút xuống 3 tháng điều chỉnh một lần liệu có thực hiện được không?".

Cần "luật hóa" việc điều chỉnh giá điện

Ông Ngô Trí Long cho rằng, 6 tháng điều chỉnh một lần là "tương đối hợp lý" và nên được áp dụng đúng. "Tham vọng của các nhà quản lý là muốn đưa mặt hàng điện điều tiết theo thị trường, theo tín hiệu thị trường. Chu kỳ 6 tháng thay đổi là hợp lý, chỉ cần làm đúng quy định này là ổn, còn rút ngắn xuống 3 tháng tạo sự xáo trộn, hoang mang cho người dân khi cứ 1 quý tăng giá điện một lần", chuyên gia này bổ sung.

Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - cho rằng, việc quy định 3 tháng hay 6 tháng điều chỉnh giá điện một lần không cần thiết nếu điện được điều tiết theo cơ chế thị trường. Có thị trường mua bán rõ ràng, không có yếu tố độc quyền thì không cần thời gian bao lâu để điều chỉnh nữa. Đằng này, thị trường điện vẫn đang vận hành theo mô hình độc quyền, trong đó EVN vừa sản xuất và kinh doanh điện. 

"Trao quyền được tăng đến 5% giá bán lẻ điện bình quân vào tay một doanh nghiệp độc quyền là không ổn. Giả sử, EVN chứng minh được chi phí đầu vào tăng đấy, có biến động đấy, cứ mỗi quý tăng 5%, vậy 1 năm tăng 20% à? Như vậy có được không? Nếu cho quy định vậy, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu, có quyền tăng giá vậy điện đâu còn là mặt hàng "nhạy cảm" nữa. Tôi nghĩ Bộ Công thương nên cân nhắc đề xuất này mà thay vào đó, sửa đổi luật để tiến đến một thị trường mua bán điện công khai, minh bạch hơn. Đồng thời, khiến người dân, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong mua bán điện hơn", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Theo PGS-TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện lực Hà Nội - hiện Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ là quy định mang tính pháp lý cao nhất liên quan điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Thế nhưng, Quyết định này đã không được thực thi một cách đúng đắn. Minh chứng là đợt điều chỉnh gần nhất là tháng 5.2023 đã mất 4 năm thì hạ từ 6 tháng xuống 3 tháng được điều chỉnh giá cũng "chẳng giải quyết được gì". Vì thực tế, chúng ta áp dụng quy định đã có đến đâu?. 

"Chúng tôi nhiều lần có ý kiến và các chuyên gia cũng đã nói, luật Điện lực cần sửa đổi, trong đó, luật hóa điều hành giá điện, luật hóa các quy định về thị trường điện thì may ra, giá điện mới được điều tiết theo thị trường được. Bên cạnh đó, giá điện phải được phản ánh kịp thời, sát với thực tế hơn", PGS-TS Bùi Xuân Hồi chia sẻ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.