Ngày 31.12, Bộ Y tế phối hợp Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội thảo phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện.
Phân loại xe cứu thương khẩn cấp và không khẩn cấp
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện mạng lưới cấp cứu ngoại viện tại TP.HCM gồm có Trung tâm cấp cứu 115, quản lý hơn 40 xe cứu thương. Ngoài ra còn có 43 trạm cấp cứu vệ tinh gồm 7 bệnh viện tuyến đầu, 19 bệnh viện công, 12 bệnh viện tư nhân, 2 phòng khám…
Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề xuất bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả các chi phí, dịch vụ cấp cứu ngoài bệnh viện. Theo ông Dũng, nếu cấp cứu ở các bệnh viện được BHYT chi trả thì cấp cứu ngoại viện cũng nên được bảo hiểm hỗ trợ chi trả.
Ngoài ra, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng cũng đề xuất phải có quy định riêng biệt và hướng dẫn cụ thể cho 2 loại hình cứu thương khẩn cấp và không khẩn cấp. Tránh tình trạng, lợi dụng xe cứu thương để di chuyển, vận chuyển sai, không đúng quy định.
“Bên cạnh đó, cần có chế độ phụ cấp, bảo hiểm thêm cho nhân viên cấp cứu ngoài bệnh viện để phù hợp với môi trường nguy hại ngoài hiện trường, kể cả lái xe. Để nhân viên y tế an tâm làm việc, giữ chân họ ở lại làm. Tôi nghĩ, cần nghiên cứu thêm mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện kết nối với các tỉnh thành. Trong vận hành cấp cứu, nếu chúng ta kết hợp được mạng lưới cấp cứu liên vùng thì cơ hội cấp cứu cho người dân sẽ lớn hơn nữa”, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng nói.
Tiến sĩ Khương Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế cho rằng cần đa dạng hóa nguồn tài chính cấp cứu ngoại viện, chủ yếu từ ngân sách nhà nước và BHYT. Cần có chính sách, cơ chế và điều kiện để cấp cứu ngoài bệnh viện là dịch vụ y tế được chi trả BHYT.
Cần có chính sách thỏa đáng cho nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện
Tại hội thảo, TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết mỗi năm TP.HCM có hơn 300.000 cuộc gọi cấp cứu, trong khi đó tại Hà Nội có khoảng 40.000 cuộc gọi. Cũng có nhiều cuộc gọi cung cấp thông tin không đúng. Do đó, cần ban hành các quy định, mức xử phạt rõ ràng để tránh việc lợi dụng “gọi phá”.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng cần có chính sách thỏa đáng cho nhân viên cấp cứu ngoài bệnh viện. Phải có đào tạo nghề nghiệp riêng cho cấp cứu ngoài bệnh viện để thu hút nhân lực. Thực tế, hiện nay nhân viên cấp cứu ngoài bệnh viện là các điều dưỡng, bác sĩ kiêm nhiệm, gây áp lực công việc cho họ.
Ý kiến chuyên gia đề xuất bổ sung chức danh cho điều phối viên, người cấp cứu, nhân viên vận chuyển cấp cứu… vào hệ thống các chức danh nghề nghiệp để chi trả phụ cấp, hỗ trợ thỏa đáng.
Tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định qua các báo cáo có thể thấy hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện của Việt Nam còn rất thiếu và yếu.
"Thiếu cả về con người, cơ sở vật chất, thiết bị, đào tạo, cơ chế tài chính, hệ thống pháp lý, chức danh nghề nghiệp chưa đồng bộ. Đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh xây dựng đề án cấp cứu ngoài bệnh viện giai đoạn 2025-2030 để trình Chính phủ về việc xây dựng chức danh nghề nghiệp cho cấp cứu viên ngoại viện, các chính sách cho nhân lực này... Ngoài ra, nghiên cứu đề án ứng dụng chuyển đổi số để liên kết các vùng, tỉnh thành. Không chỉ từ kinh phí nhà nước mà nên kêu gọi thêm nguồn lực xã hội hóa để phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TP.HCM từ năm 2025
Triển khai khởi công xây dựng Dự án Trung tâm cấp cứu 115 cụm Tân Kiên là 1 trong 3 Trung tâm cấp cứu 115, gắn liền với quy hoạch 3 cụm y tế chuyên sâu của ngành y tế TP.HCM.
Thực hiện chuyển đổi số, triển khai phần mềm “Hệ thống thông tin hỗ trợ điều phối cấp cứu giai đoạn 1”.
Triển khai Trạm cấp cứu 115 H.Cần Giờ thực hiện cấp cứu đường bộ, đường thủy cho người dân khu vực và địa bàn lân cận.
Đầu tư ít nhất 1 tàu cứu thương chuyên dụng nhằm triển khai hiệu quả loại hình cấp cứu đường thủy.
Phối hợp Bệnh viện Quân y 175 và các đơn vị liên quan tham gia các hoạt động cấp cứu bằng đường hàng không.
Thực hiện khảo sát nhu cầu đào tạo cấp cứu viên ngoại viện tại TP.HCM và các vùng, địa phương có liên kết, hợp tác y tế (ĐBSCL, Đông Nam bộ, Tây nguyên và Duyên hải miền Trung).
Đặt hàng các trường đào tạo khối ngành sức khỏe xây dựng chương trình, mở mã ngành đào tạo cấp cứu ngoài bệnh viện.
Trình HĐND TP.HCM các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế tham gia các chương trình đào tạo lĩnh vực cấp cứu ngoài bệnh viện. Chính sách hỗ trợ điều phối viên, lái xe cứu thương phục vụ hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện.
Bình luận (0)