Đề xuất biểu giá bán lẻ điện mới: Ai sẽ phải trả tiền điện cao hơn?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
23/03/2024 07:17 GMT+7

Với dự thảo biểu giá bán lẻ điện mới đang được Bộ Công thương gửi thẩm định tại Bộ Tư pháp, vẫn có hàng trăm ngàn hộ gia đình sẽ phải trả tiền điện cao hơn so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành.

2% hộ phải trả tiền điện cao hơn

Theo lập luận của Bộ Công thương, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo dự thảo mới nhất đã được cải tiến, rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc, được thiết kế theo nguyên tắc nhằm bảo đảm hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện. Chẳng hạn, giữ nguyên giá cho bậc 1 (0 - 100 kWh) để bảo đảm ổn định giá điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (theo khảo sát của Tập đoàn điện lực VN (EVN) trước đó là khoảng 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện sẽ được bù đắp từ hộ sử dụng 401 - 700 kWh và trên 700 kWh điện. Có nghĩa là các bậc từ 401 kWh điện trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Đề xuất biểu giá bán lẻ điện mới: Ai sẽ phải trả tiền điện cao hơn?- Ảnh 1.

Các chuyên gia đề nghị biểu giá bán lẻ điện cần bảo đảm yếu tố công bằng đối với người sử dụng

Nhật Thịnh

Bộ Công thương khẳng định phương án tính giá điện sinh hoạt theo 5 bậc mới chỉ khiến khoảng 2% hộ gia đình (tương đương 558.000 hộ) dùng điện 711 kWh/tháng sẽ phải trả tiền nhiều hơn, số còn lại trả mức tương đương cách tính cũ, thậm chí thấp hơn. Chẳng hạn, nếu hộ gia đình dùng 750 kWh/tháng, tính theo 6 bậc phải trả 2,081 triệu đồng, theo 5 bậc mới là 2,099 triệu đồng, cao hơn 18.000 đồng/tháng; xài 800 kWh/tháng, tính theo 5 bậc phải trả cao hơn 41.000 đồng; 1.000 kWh/tháng tính theo 5 bậc phải trả hóa đơn cao hơn khoảng 134.000 đồng…

Đề xuất thay đổi biểu giá bán lẻ điện 

Như vậy, biểu giá bán lẻ điện cải tiến 5 bậc sẽ khiến hộ dùng điện càng nhiều, trả tiền điện càng đắt. Phương án này nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Song thực tế, nhu cầu sử dụng điện của người dân qua mỗi năm đều tăng trước áp lực biến đổi khí hậu, thời tiết nóng hơn; sử dụng thiết bị điện đáp ứng nhu cầu cuộc sống hằng ngày tăng… Nên mong muốn của nhà điều hành đôi khi trái ngược hoàn toàn với nhu cầu thực tế. Quan trọng hơn, sẽ có hộ gia đình 1 người, 4 người, hay 10 người, rồi diện tích, quy mô nhà ở của các hộ cũng khác nhau. Theo đó, mức tiêu thụ điện năng giữa các hộ gia đình sẽ khác nhau rất lớn.

Chuyên gia năng lượng, GS-TSKH Trần Đình Long, Viện Điện lực VN, cho rằng biểu giá bán lẻ điện tính theo hộ về bản chất rất khó bảo đảm tính công bằng và chính xác. Bởi sẽ có hộ sử dụng 300 kWh điện mỗi tháng, nhưng với hộ gia đình đông người, nhà rộng, nhiều phòng, mức điện tiêu thụ có thể lên trên 1.000 kWh mỗi tháng. Theo đó, cách tính giá điện lũy tiến theo hộ sẽ không bảo đảm tính chính xác. Ông nói: "Có thể vẫn áp dụng cách tính giá điện lũy tiến, theo bậc, nhưng nên tính theo nhân khẩu trong gia đình hơn là tính theo hộ, như cách tính của nước sinh hoạt theo đầu người. Mỗi người được dùng bao nhiêu kWh điện trong 1 tháng, dùng nhiều hơn tính giá cao hơn theo lũy tiến…".

Với các doanh nghiệp, cách tính mới đưa giá điện kinh doanh cơ sở du lịch ngang bằng giá bán lẻ điện cho sản xuất sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất bị tăng giá mua điện từ 1,27 - 3,85%. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tại TP.HCM cho hay hóa đơn tiền điện 10 ngày vừa rồi của doanh nghiệp là 92,114 triệu đồng, với mức "bù giá" cho điện kinh doanh dịch vụ du lịch, doanh nghiệp phải trả tiền điện cao hơn 1,16 - 3,55 triệu đồng trong 10 ngày.

Cần sự cải tiến mạnh mẽ hơn

Chuyên gia tài chính, TS Bùi Trinh nêu quan điểm một phương án tính mới thường phải đạt được yếu tố tốt hơn phương án trước đó. Ở đây, biểu giá bán lẻ điện mới (theo dự thảo - PV) vẫn tiếp tục lặp lại những vấn đề rất cũ. Đó là bù chéo, người dùng điện nhiều bù cho người dùng ít... Những vấn đề này đã được nhiều cơ quan ban ngành, chuyên gia góp ý, nay cơ quan soạn thảo vẫn chưa khắc phục được. 

"Mục đích của chúng ta là làm chính sách nhằm bảo đảm tính công bằng xã hội, có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp. Cách tính giá điện mới này đã đạt các yếu tố đó một cách tối thiểu chưa? Tôi nghĩ là chưa, ngoài yếu tố muốn người dân tiết kiệm điện bằng ý chí của nhà quản lý và "gánh" thêm tiền điện cho hộ nghèo mà nhẽ ra chính sách an sinh xã hội phải gánh. Lấy tiền điện của hộ dùng điện nhiều (chưa hẳn là giàu hơn) để bù cho hộ dùng điện ít (chưa hẳn là nghèo hơn); rồi lấy tiền điện sinh hoạt, bù cho dịch vụ kinh doanh du lịch hay nhà máy sản xuất… thì không phải là chính sách cải tiến, công bằng", TS Bùi Trinh nói thẳng.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú phân tích: Chính yếu tố độc quyền trong truyền tải, phân phối điện khiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt áp cho người dân thiếu tính khách quan, nếu không nói là mang tính áp đặt. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu: Xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; Nhà nước điều tiết hợp lý, thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.

Chiếu theo đó, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo dự thảo này chưa bảo đảm phù hợp với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. "Cần có thêm doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các khâu truyền tải, phân phối điện… để giảm tính độc quyền. Nên xem xét lại mức tiêu thụ điện tối thiểu, phổ biến ở mức nào, để có mức giá phù hợp; rà soát lại chi phí của ngành tại các khâu đã hợp lý chưa. Năm 2023, trong khi EVN báo lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng, nhưng thu nhập bình quân cho hàng ngàn nhân viên tại các tổng công ty phát điện thuộc EVN đạt bình quân trên 30 triệu đồng/tháng… Thứ nữa, đa số hộ dùng trên 400 kWh, với mức dùng đó chỉ trung bình nhưng giá điện phải trả tính bằng 162% giá bình quân là quá cao", ông Vũ Vinh Phú dẫn chứng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá VN, thì cho rằng việc sửa đổi cơ chế giá điện lần này theo dự thảo có những tiến bộ đáng ghi nhận. Đó là những bước nhằm thực hiện lộ trình tiến đến thị trường điện. Tuy vậy, để giải quyết triệt để những vấn đề tồn tại trong thị trường điện hiện nay, cần phải cải cách giá bán lẻ điện mạnh mẽ hơn nữa theo hướng thị trường cạnh tranh. Đó là giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Muốn vậy, phải tách bạch các khâu, giảm thiểu yếu tố độc quyền. Tách chức năng các khâu cung cấp dịch vụ mang tính độc quyền một cách tự nhiên của ngành từ khâu truyền tải, phân phối, vận hành hệ thống điện và thị trường điện ra khỏi các đơn vị tham gia cạnh tranh.

Trong phần tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công thương đề nghị thực hiện việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là sửa đổi giá bán điện cho nhóm khách hàng sử dụng ngoài mục đích sinh hoạt ở mức tối thiểu, tránh gây biến động quá lớn nhưng vẫn giải quyết được vấn đề cấp thiết mà dư luận đặt ra trong thời gian qua. Giai đoạn 2 là trong năm tới, Bộ sẽ phối hợp với EVN theo dõi, cập nhật, đánh giá ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và đời sống người dân, xây dựng lộ trình áp dụng theo từng giai đoạn phù hợp sự phục hồi của nền kinh tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong đó, xem xét việc áp dụng giá bán điện phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất kinh doanh điện; thử nghiệm giá bán điện hai thành phần theo công suất và điện năng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.