Chiều 24.2, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức hàng không.
Nêu lên thực tế các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia vượt mục tiêu khách quốc tế, trong khi Việt nam chỉ đạt hơn một nửa, GS - TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đặt câu hỏi: Vì sao chúng ta không mở cửa chậm hơn, nhưng khách quốc tế lại đến ít hơn?
Theo ông, có nhiều lý do, trong đó có thể do vấn đề thị thực (visa). Việt Nam mới miễn visa cho 24 nước, cấp visa điện tử cho khoảng 70 - 80 nước; trong khi nước có quy mô kinh tế tương tự, thậm chí thấp hơn là Philippines miễn visa cho hơn 150 nước. Những ràng buộc này cần khắc phục để mở cửa hơn nhằm phục hồi thị trường hàng không.
Về giá vé máy bay hiện nay, GS - TS Trần Thọ Đạt cho rằng, trước đây khi có quan điểm về giá sàn, thị phần hàng không có yếu tố độc quyền nên nếu áp dụng sẽ vi phạm luật Cạnh tranh.
Về giá trần, giá cả dịch vụ hàng không khác giá cả hàng hóa thông thường, bởi giá hàng hóa thông thường niêm yết giá và mặc cả được, còn mua vé máy bay đến khi mua mới biết giá bao nhiêu. Giá dịch vụ hàng không xét phương diện cấu trúc giá vé phức tạp hơn rất nhiều khi phụ thuộc nhiều giá nguyên nhiên liệu, thuê tàu bay, nhân lực, biến động tỷ giá…
"Rất ít nước áp giá sàn và trần, sớm hay muộn nên bỏ giá trần và có công thức điều hành giá và tạo khung dao động đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, phù hợp với lợi ích của người dân", ông Đạt khuyến nghị và cho rằng, cơ chế quản lý giá có yếu tố đặc thù, nên tham khảo kinh nghiệm của các nước để đảm bảo sự phát triển của ngành hàng không ổn định, lâu dài, bền vững.
Chia sẻ góc nhìn này, TS Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông, cho rằng việc duy trì giá trần vé máy bay đến nay là sự "vô lý khủng khiếp", cần chấm dứt càng sớm càng tốt.
Lý do, trên thế giới không nước nào quản lý vé bay bằng giá trần, như Thái Lan, Indonesia vé bay nội địa tự do không có giá trần. Riêng Trung Quốc, Nhà nước phê duyệt giá vé máy bay, không có hãng hàng không giá rẻ nên không có giá trần.
Việc duy trì giá trần tước đi của các hãng bay cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn cao điểm (Việt Nam có 2 giai đoạn cao điểm hè vào tháng 6 - tháng 7 và cao điểm tết, nhưng chỉ cao điểm một chiều).
"Nếu bỏ giá trần đi thì các hãng hàng không có cơ hội cải thiện thu nhập, doanh thu, lợi nhuận một cách hợp lý trong giai đoạn đó. Việc để giá vé trần hơn 3 triệu đồng làm cho các hãng hàng không mất đi cơ hội cải thiện kết quả tài chính, cần sớm bỏ giá trần", ông Nam nêu.
Cho rằng giá trần đang kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa, ông Nam phân tích: "Tăng trưởng của thị trường nội địa phụ thuộc vào việc có nhiều hay ít giá vé rẻ. Càng nhiều giá vé rẻ thị trường tăng trưởng càng tốt. Việc khống chế giá trần thực ra làm giá vé rẻ ít đi và khiến tăng trưởng thị trường nội địa chậm lại". Vị này đề xuất để thị trường tự cạnh tranh quyết định giá vé máy bay nội địa trên từng chuyến, từng thời điểm.
Bỏ giá trần không ảnh hưởng khách hàng
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, thẳng thắn đề nghị cần mạnh dạn thay đổi chính sách về giá. Lý do, nếu "suốt ngày xin - cho như này thì các hãng không biết lập kế hoạch như thế nào".
Ông Thành lý giải, hiện khung giá vé máy bay được quy định bởi luật Hàng không và có giá trần, giá sàn, nhưng thực tế giá sàn bằng 0.
Đợt điều chỉnh khung giá gần nhất là tháng 12.2015. Để được tăng giá, các hãng đều phải báo cáo, giải trình chi tiết các yếu tố đầu vào thay đổi như thế nào. Nhưng từ đó đến nay, giá "vẫn đóng khung", dù các hãng khi họp trên Bộ GTVT, Cục Hàng không đều phân tích các yếu tố đầu vào thay đổi và kiến nghị nhiều lần.
Tuy nhiên, theo ông Thành, về mặt dài hạn nếu bỏ giá vé trần thì phải sửa luật. "Để một ngành kinh tế nào đó phát triển, chính sách đưa ra cần cân đối hài hòa lợi ích của 3 yếu tố gồm: Chính phủ - người tiêu dùng - nhà sản xuất. Nhưng các chính sách hiện đang xây dựng 2 yếu tố đầu. Đường bay nội địa đang gánh một loạt các thuế, chi phí nhưng bay quốc tế lại đang tự do. Có thực tế là khung giá cao nhất của đường bay nội địa đang cao hơn khoảng 40% so với đường bay TP.HCM - Bangkok (Thái Lan)", ông Thành nêu.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cũng cho rằng giá nhiên liệu và tỷ giá, giá dịch vụ đầu vào đều tăng, trong khi giá thành cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành quá lâu, từ năm 2015. Câu hỏi là có thay đổi được không?
Lãnh đạo Bamboo Airways kiến nghị Bộ GTVT khẩn trương xem xét điều chỉnh giá trên cơ sở đúng quy định pháp luật theo thực tế yếu tố đầu vào. Theo đó, bỏ giá trần với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên nhưng vẫn duy trì sự quản lý của Nhà nước nếu đường bay nào chỉ có 1 hãng khai thác.
"Bỏ giá trần hay nâng giá trần không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng", ông Quân nêu.
Bình luận (0)