Theo quy định của dự thảo luật, chỉ có 3 nhóm đối tượng được phép thành lập NXB, đó là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị cấp T.Ư và cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp T.Ư và cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập cấp T.Ư và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cấp T.Ư trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm.
Qua thảo luận, nhiều ĐBQH đề nghị nên cho phép đối tượng tư nhân cũng được tham gia thành lập NXB. ĐB Lê Hữu Phước (Bình Dương) cho rằng, để xã hội hóa hoạt động xuất bản, luật Xuất bản (sửa đổi) lần này nên cho phép tư nhân tham gia thành lập NXB để phát huy thế mạnh của tư nhân, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Phước lưu ý cần quy định chặt chẽ các điều kiện thành lập NXB, tránh tình trạng thành lập NXB để bán giấy phép; đồng thời, nhà nước nên cổ phần hóa các NXB hiện nay và chỉ nên giữ lại những NXB phục vụ các nhiệm vụ chính trị - xã hội.
“Mặc dù dự thảo lần này đã có những chỉnh sửa mở rộng hơn nhưng việc không cho phép tư nhân tham gia vào tổ chức xuất bản là bất hợp lý, đi ngược với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường và xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật”, ĐB Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) hưởng ứng. Theo bà Lan, nếu chỉ cho phép những đối tượng như dự thảo được thành lập NXB kèm theo các chính sách ưu đãi dự kiến thì nhà nước phải đầu tư một khoản ngân sách rất lớn cho sự nghiệp xuất bản, trong khi có thể huy động vốn xã hội bằng cách cho phép tư nhân đầu tư.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP.Đà Nẵng) nói thêm: hiện cả nước có tới 64 NXB mà phần lớn do ngân sách nhà nước bao cấp, nhưng doanh thu toàn bộ các NXB này mỗi năm cũng chỉ đạt trên 40 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chưa kể có khoảng 800 cơ quan báo chí mà trong đó có không ít tờ báo là nhà nước bỏ tiền ra in, nhà nước lại bỏ tiền ra mua để phát cho các cơ quan đơn vị, vậy ngân sách nhà nước có tiếp tục kham nổi vấn đề này không?
Ngoài ra, qua thảo luận, nhiều ĐBQH cũng tán thành việc dự luật sửa đổi lần này đã quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan xuất bản trong việc chịu trách nhiệm sửa chữa, đình chỉ phát hành, thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm vi phạm pháp luật trong quá trình liên kết xuất bản, khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Theo nghị trình, dự luật Xuất bản (sửa đổi) sẽ được QH xem xét, thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7 năm tới.
Bảo Cầm
Bình luận (0)