Đề xuất cơ quan độc lập quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

16/07/2014 02:20 GMT+7

Sáng qua 15.7, Ủy ban TVQH tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Sáng qua 15.7, Ủy ban TVQH tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo: Tại kỳ họp thứ 7 của QH, một số đại biểu đề nghị xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản; đồng thời đề xuất nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung, có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý nhà nước. Số khác đề nghị trước mắt nên lựa chọn mô hình hỗn hợp, điều phối chức năng, tùy thuộc vào quy mô và tầm quan trọng của DN nhà nước.

Ủy ban Kinh tế ủng hộ quan điểm thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ để thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại DN, vì cho rằng, “thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý DN nhà nước, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu DN, khắc phục được triệt để các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý DN nhà nước như vừa qua”. Theo ông Giàu, nếu theo phương án này, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Đảng đoàn QH báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị và báo cáo BCH T.Ư Đảng quyết định vấn đề này trước khi trình QH xem xét, thông qua dự luật tại kỳ họp 8 của QH.

Trong khi đó, phía cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) vẫn muốn giữ nguyên mô hình quản lý vốn nhà nước tại DN như hiện nay.

Qua thảo luận, TVQH chưa nghiêng hẳn về phương án nào mà đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm để có giải trình đầy đủ hơn tại các phiên họp tới.

Có bảo lãnh mới được bán nhà hình thành trong tương lai

Sáng cùng ngày, TVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Qua thảo luận, Ủy ban TVQH nhất trí với nhiều nội dung sửa đổi, chỉnh lý của dự luật nhằm khắc phục tình trạng chủ đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án, hoặc huy động vốn nhưng không thực hiện dự án theo cam kết, gây thiệt hại cho khách hàng. Trong đó, có quy định chủ đầu tư phải ký quỹ khi được giao dự án, chỉ được thu tiền của khách hàng khi đã xây dựng xong móng của công trình và không quá 70% giá trị hợp đồng tính đến thời điểm bàn giao nhà cho khách hàng.

Trường hợp muốn bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, bắt buộc chủ đầu tư phải có bảo lãnh và theo quy định tại khoản 2 điều 16 thì việc bảo lãnh do chủ đầu tư và bên nhận bảo lãnh thỏa thuận.

 

Bảo Cầm

>> Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước: Biến 'vịt nhà' thành 'vịt trời
>> SCIC được quyền bán vốn Nhà nước
>> EVN vay 7.500 tỉ đồng vốn nhà nước xây nhiệt điện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.