Ì ạch bán vốn nhà nước

05/10/2013 09:05 GMT+7

Thoái vốn sở hữu nhà nước để có nguồn thu cho ngân sách là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhưng thực tế việc này không hề đơn giản.

Ì ạch bán vốn nhà nước
 Việc thoái vốn cần cơ chế để đẩy nhanh, lấy vốn tái đầu tư các lĩnh vực trọng điểm - Ảnh: Ngọc Thắng

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi) đưa ra một loạt các đề xuất để tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trong số này, đáng chú ý có giải pháp tập trung đẩy nhanh quá trình bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay công ty đã cổ phần hóa nhưng vẫn do nhà nước kiểm soát chi phối như MobiFone, Viettel, Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Vinamilk...

Theo số liệu của Ban Đổi mới doanh nghiệp (DN) T.Ư, tính đến đầu năm 2013, riêng giá trị các khoản đầu tư ngoài ngành của khối DN 100% vốn nhà nước được xác định khoảng 21.000 tỉ đồng. Số này chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực nóng như tài chính, chứng khoán, bất động sản. Ngoài ra, tại các DN đã được cổ phần hóa nhà nước đang chi phối kiểm soát vốn cũng vẫn còn tài sản, vốn góp có giá trị không hề nhỏ.

Tuy nhiên, việc bán vốn không dễ thực thi. Báo cáo mới nhất của Bộ KH-ĐT cho thấy kể từ khi thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có mục tiêu sắp xếp lại DNNN, tính đến thời điểm hiện tại chỉ có 68 tập đoàn, tổng công ty nhà nước được phê duyệt đề án. Hết tháng 8.2013, Chính phủ phê duyệt 100/101 phương án sắp xếp đổi mới DN của các bộ, ngành, địa phương. Quá trình bán vốn, thoái vốn thì gần như giậm chân tại chỗ. Lý do, theo Bộ KH-ĐT: “Việc thoái các khoản vốn gặp nhiều khó khăn vì không bảo toàn được vốn theo quy định”.

Quy định ở đây là DNNN phải bảo toàn vốn, đồng nghĩa với việc không được bán lỗ các khoản đã đầu tư, trong trường hợp vốn góp là cổ phần, thường không được bán dưới mệnh giá. Điều khoản “trói chặt” như trên khiến hầu hết các đợt thoái vốn rơi vào thất bại như thoái vốn tại Ngân hàng An Bình của Tập đoàn điện lực (EVN), tại Ngân hàng Hàng hải của Tập đoàn bưu chính - viễn thông (VNPT)... vì giá cổ phiếu tại những ngân hàng đang dưới mệnh giá. “Tập đoàn dệt may phải thoái 100% vốn tại 37 DN, hiện mới thoái được 5, dự kiến hết 2013 hoàn thành thêm 9 DN nữa. Tổng công ty thép mới hoàn thành thoái vốn tại 2 đơn vị… các đơn vị khác trong danh mục thoái vốn đang tìm kiếm đối tác và trình phương án chờ phê duyệt”, báo cáo Bộ KH-ĐT cho thấy kết quả không mấy lạc quan.

Cần cơ chế thoáng hơn

Một cơ chế hiện hành khá “mở” để các DN có thể mạnh dạn bán vốn là các DN được bán khoản vốn góp theo giá thị trường. Tuy nhiên, tại dự thảo thông tư mới của Bộ Tài chính lấy ý kiến vào tháng 7.2013, có bổ sung một số nội dung như: Tiền thu về từ chuyển nhượng các khoản đầu tư ra ngoài DN, sau khi trừ giá trị vốn đầu tư, chi phí chuyển nhượng và tiền thuế, số còn lại DN được hạch toán kết quả kinh doanh. Nếu DN thua lỗ, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty phải báo cáo gửi Bộ Tài chính về nguyên nhân không bảo toàn được vốn và phải giảm trừ tiền lương của người quản lý DN.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng giá thị trường luôn biến động. Cho bán vốn theo giá thị trường, nhưng lại trừ lương nếu bán lỗ thì chắc chắn không ai dám bán nếu mức giá rơi xuống thấp hơn giá trị ban đầu.

Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay nằm ở nỗi lo trách nhiệm làm thất thoát vốn nhà nước. Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng cần phải có quy định cụ thể về các loại vốn có thể thoái, cách thức, điều kiện, giới hạn thẩm quyền và quy trình quyết định thoái vốn. “Đây là điều mắc nhất không thể đẩy nhanh quá trình thoái vốn vì DN sợ thất thoát, sợ trách nhiệm”, ông Vinh nói.

Theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, chủ trương đổi mới sắp xếp DNNN là nhất quán từ lâu, nhà nước chỉ giữ DN 100% vốn trong một số lĩnh vực quan trọng, còn lại cơ bản cổ phần hóa, DN nào quan trọng nhà nước nắm quyền chi phối tuyệt đối. Tuy nhiên, ông Ninh cho rằng việc bán vốn không thể vội vàng, cần rút lui và thoái vốn có trật tự. Tới đây, Bộ Tài chính cần trình Chính phủ ra một nghị quyết riêng. Tinh thần chung là chỉ DN nào để mất vốn, giữ lại không còn hiệu quả, thì dứt khoát bán. Còn các DN vẫn có cơ hội cần có lộ trình thoái, không thoái ào ạt.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đây là một việc cần làm và nhẽ ra phải làm từ lâu. “Cứ chần chừ chờ giá cao, chờ thị trường chứng khoán khôi phục để bán được giá… tôi nghĩ là không cần thiết. Bán bây giờ, dù có rẻ một chút, nhưng thu nhanh về ngân sách nhà nước để tái đầu tư những dự án khác hơn là chôn vốn vào những nơi kinh doanh không hiệu quả, lại tiếp tục đòi rót ngân sách. Hoặc có hiệu quả nhưng nguồn lãi ở đâu cũng không thu về”, bà Lan nói. Đứng ở góc độ nhà tư vấn doanh nghiệp, ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược DN, cho rằng cổ phần hóa các DNNN, mời gọi nhà đầu tư khác tham gia vào công ty là hình thức giúp DN quản trị năng động hơn và tăng tính cạnh tranh.  

Anh Vũ - Nguyên Nga

>> Thoái vốn ngân hàng không dễ
>> Tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn tại các công ty tài chính
>> Doanh nghiệp mía đường kêu cứu
>> Nhiều doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.