Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra. Dự thảo do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo.
Theo quy định tại luật Thanh tra, cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.
Để hướng dẫn thực hiện quy định trên, năm 2012, Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư liên tịch số 90/2012; sau đó đến năm 2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 327/2016 thay thế Thông tư 90/2012.
Thống kê từ năm 2018 - 2022, cơ quan thanh tra đã thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước số tiền gần 16.000 tỉ đồng, được trích hơn 1.900 tỉ đồng (bình quân hơn 380 tỉ đồng/năm), chiếm 12% so với khoản tiền đã thu hồi nộp vào ngân sách.
Với số tiền được trích nêu trên, các cơ quan thanh tra đã sử dụng 1.837 tỉ đồng (bình quân 367 tỉ đồng/năm) để chi phục vụ các hoạt động thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền pháp luật; tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm, sửa chữa tài sản, phương tiện đi lại; khen thưởng, khuyến khích, động viên các tập thể và cá nhân trong và ngoài cơ quan thanh tra…
Theo Thanh tra Chính phủ, nguồn kinh phí trích cho cơ quan thanh tra đã bù đắp được sự thiếu hụt của nguồn ngân sách nhà nước cấp chi theo định mức biên chế, bởi thanh tra là một trong 9 cơ quan trong khối nội chính nên hoạt động có tính đặc thù, phức tạp, nhất là sự đấu tranh tiên quyết, quyết liệt trong công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tháng 11.2022, Quốc hội thông qua luật Thanh tra năm 2022 (có hiệu lực từ 1.7), thay thế cho luật Thanh tra năm 2010 đang có hiệu lực. Do đó, việc xây dựng, ban hành nghị quyết là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được trích từ khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra của cơ quan thanh tra.
Thanh tra Chính phủ cho hay, về cơ bản, dự thảo nghị quyết kế thừa các quy định hiện hành theo luật Thanh tra năm 2010, Nghị định 86/2011 và Thông tư 327/2016 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, tỷ lệ trích có tăng biên độ để phù hợp với thực tế khi lương cơ bản và chỉ số trượt giá tăng cao hơn so với trước đây.
Cụ thể, dự thảo đề xuất cho phép Thanh tra Chính phủ được trích 30% số tiền nộp vào ngân sách nhà nước đến 100 tỉ đồng/năm; được trích thêm 20% số tiền nộp vào ngân sách nhà nước từ trên 100 tỉ đồng đến 200 tỉ đồng/năm; được trích thêm 10% số tiền nộp vào ngân sách nhà nước từ trên 200 tỉ đồng/năm.
Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và tương đương; thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được trích 30% số tiền nộp vào ngân sách nhà nước đến 20 tỉ đồng/năm; được trích thêm 20% số tiền nộp vào ngân sách nhà nước từ trên 20 tỉ đồng đến 30 tỉ đồng/năm; được trích thêm 10% số tiền nộp vào ngân sách nhà nước từ trên 30 tỉ đồng/năm.
Thanh tra sở, thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc T.Ư, thanh tra tại đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt được trích 30% số tiền nộp vào ngân sách nhà nước đến 3 tỉ đồng/năm; được trích thêm 20% số tiền nộp vào ngân sách nhà nước từ trên 3 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng/năm; được trích thêm 10% số tiền nộp vào ngân sách nhà nước từ trên 5 tỉ đồng/năm.
Thanh tra Chính phủ tính toán, nếu thực hiện theo chính sách mới, kinh phí hàng năm trích cho các cơ quan thanh tra ước tính tăng khoảng 12% so với mức hiện hành.
Bình luận (0)