Đề xuất công chứng viên không quá 70 tuổi, có lãng phí nguồn lực?

18/05/2024 13:52 GMT+7

Dự thảo luật Công chứng (sửa đổi) đề xuất công chứng viên không được quá 70 tuổi. Nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng một số thì cho rằng sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm.

Theo quy định tại luật Công chứng năm 2014 (đang có hiệu lực), tiêu chuẩn của công chứng viên gồm: là công dân Việt Nam, có bằng cử nhân luật, có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật, tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng…

Còn tại dự thảo luật Công chứng sửa đổi do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, ngoài các tiêu chuẩn trên, công chứng viên còn phải đáp ứng thêm tiêu chuẩn "không quá 70 tuổi, bảo đảm sức khỏe để hành nghề".

Dự thảo luật Công chứng sửa đổi đề xuất công chứng viên không được quá 70 tuổi (ảnh minh họa)

Dự thảo luật Công chứng sửa đổi đề xuất công chứng viên không được quá 70 tuổi (ảnh minh họa)

T.N

Đề xuất trên của dự thảo đang nhận được nhiều ý kiến. Một số ủng hộ vì như vậy sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên. Số khác thì băn khoăn sẽ dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm, bởi lẽ công chứng là công việc đòi hỏi kiến thức và sự am hiểu quy định pháp luật, công chứng viên càng nhiều tuổi thì càng dày dặn kinh nghiệm, bản lĩnh.

Tại báo cáo kết quả khảo sát thực tiễn thi hành pháp luật về công chứng ở một số tỉnh vừa qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, hiện tại chưa có bất kỳ kết luận nào xác nhận người 70 tuổi là không đủ sức khỏe để hành nghề công chứng. Quy định độ tuổi như dự thảo có thể dẫn tới lãng phí nguồn lực xã hội.

Công chứng viên phải đảm bảo cả trí tuệ và sức khỏe

Giải thích về đề xuất giới hạn độ tuổi công chứng viên, ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), cho biết nội dung này được đưa vào dự thảo nhằm nâng cao chất lượng công chứng viên.

Theo ông Hồng, công chứng không phải nghề kinh doanh tự do mà là dịch vụ công được nhà nước ủy nhiệm. Công việc này đòi hỏi cao cả về trí tuệ và sức khỏe. Bất cứ công chứng viên nào cũng cần đảm bảo sự minh mẫn, am hiểu pháp luật.

Số liệu thống kê cho thấy, tuổi thọ trung bình người Việt Nam khoảng 73 tuổi, số lượng công chứng viên trên 70 tuổi vẫn đang hành nghề chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa đến 10%. Tại các văn phòng công chứng thuộc Nhà nước, công chứng viên đến 60 hoặc 62 tuổi là nghỉ hưu. Vì thế, quy định giới hạn độ tuổi 70 đối với công chứng viên ở các văn phòng công chứng xã hội hóa là phù hợp.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng, bên cạnh đề xuất giới hạn độ tuổi, dự thảo luật cũng có quy định chuyển tiếp. Theo đó, công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng sẽ được tiếp tục hành nghề trong thời hạn tối đa là 2 năm, kể từ ngày luật mới có hiệu lực thi hành.

"Quy định trên nhằm tránh tình trạng giảm đột ngột số lượng công chứng viên hành nghề, bảo đảm có thời gian chuyển tiếp để bổ nhiệm công chứng viên thay thế số lượng công chứng viên trên 70 tuổi thôi hành nghề", ông Hồng cho hay.

Ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp)

Ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp)

PHÚC BÌNH

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng

Bộ Tư pháp cho biết, để có cơ sở cho việc xây dựng dự án luật Công chứng sửa đổi, song song với việc tổng kết, đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động công chứng ở Việt Nam trong những năm qua, cơ quan này còn tiến hành nghiên cứu pháp luật về công chứng của một số nước.

Kết quả cho thấy, việc giới hạn độ tuổi với công chứng viên không phải là cá biệt, mà nhiều nước đã áp dụng từ lâu.

Theo đó, xuất phát từ tính chất đặc biệt quan trọng của nghề công chứng, các quốc gia này đặt ra những tiêu chuẩn khá ngặt nghèo đối với người muốn được bổ nhiệm công chứng viên. Tiêu chuẩn đầu tiên là giới hạn về tuổi đối với công chứng viên, bao gồm tuổi bổ nhiệm và tuổi hành nghề.

Tại Đức, công chứng viên phải là người ít nhất là 35 tuổi và không quá 70 tuổi khi bổ nhiệm lần đầu. Tại Ba Lan, công chứng viên phải ít nhất là 26 tuổi mới được bổ nhiệm. Tại Trung Quốc, công chứng viên phải trong độ tuổi từ 25 đến dưới 65 tuổi.

Tại Tây Ban Nha, độ tuổi trung bình thấp nhất để được bổ nhiệm công chứng viên từ 27 - 28 và thông thường đến 70 tuổi là công chứng viên nghỉ hưu.

Tương tự, tại Nhật Bản, tuổi nghỉ hưu cho công chứng viên là 70 tuổi, nhiều công chứng viên được bổ nhiệm khi họ khoảng 58 - 62 tuổi sẽ hành nghề trong vòng 8 - 10 năm.

Tại Pháp và nhiều nước khác, quyết định bổ nhiệm công chứng viên không bị giới hạn hiệu lực về thời gian, đồng nghĩa với việc một công chứng viên khi đã được bổ nhiệm thì sẽ là công chứng viên suốt đời. Tuy nhiên, tuổi hành nghề thường bị hạn chế ở con số 70.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.