Đề xuất trên 70 tuổi không được làm công chứng viên

Lê Hiệp
Lê Hiệp
01/04/2024 14:58 GMT+7

Dự thảo luật Công chứng sửa đổi dự kiến bổ sung quy định độ tuổi công chứng viên đến 70 tuổi, song nhiều ý kiến cho rằng quy định này có thể gây lãng phí khi tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay là 74 tuổi.

Sáng 1.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, cho ý kiến dự án luật Công chứng sửa đổi. Một trong những chính sách mới được bổ sung tại dự thảo luật sửa đổi lần này, theo báo cáo được Bộ trưởng Tư Pháp Lê Thành Long trình bày tại hội nghị, là quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi. 

Đề xuất trên 70 tuổi không được làm công chứng viên- Ảnh 1.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án luật Công chứng sửa đổi

GIA HÂN

Cùng đó, dự thảo luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành.

Cũng liên quan tới công chứng viên, dự thảo luật cũng bổ sung quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng. Dự thảo luật bỏ quy định miễn đào tạo ở luật hiện hành. 

Theo đó, những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của luật hiện hành phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng. Đồng thời, thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng với tất cả các đối tượng. 

Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc bổ sung quy định về giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên.

Ông Ngô Trung Thành cũng cho hay, liên quan vấn đề này, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị quy định giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên là không quá 65.

Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy định về độ tuổi được thực hiện hoạt động công chứng của công chứng viên vì có thể làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Ý kiến này cho rằng công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức và kỹ năng hành nghề công chứng, nếu dự thảo luật giới hạn cứng nhắc độ tuổi hành nghề sẽ gây lãng phí xã hội.

Từ đó, đề nghị không giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe như với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc giới hạn một độ tuổi hành nghề nhất định nhưng phải trên 70 tuổi (thay vì giới hạn 70 tuổi).

Có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội

Đề xuất trên 70 tuổi không được làm công chứng viên- Ảnh 2.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, quy định giới hạn độ tuổi của công chứng viên là 70 tuổi có thể gây lãng phí

GIA HÂN

Nêu ý kiến thảo luận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng đối chiếu với bộ luật Lao động và một số luật chuyên ngành thì nên sửa lại độ tuổi của công chứng viên theo hướng không quá 65 tuổi để đảm bảo sức khoẻ.

Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ lưỡng để giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên.

Dẫn số liệu từ Bộ Y tế cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên gần 74 tuổi, nhiều người 70 tuổi còn minh mẫn, đảm bảo sức khoẻ, bà Thanh cho rằng nếu quy định cứng "không quá 70 tuổi" có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội, nên cần có quy định khả thi hơn.

Liên quan tới quy định đào tạo nghề công chứng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, thời gian đào tạo nghề và tập sự hành nghề công chứng theo dự thảo có thể quá dài.

"Có đối tượng rất am hiểu pháp luật mà tập sự tới 12 tháng mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ công chứng viên thì cần xem lại cho phù hợp thực tiễn, giảm chi phí xã hội”, ông Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến.

Luật Công chứng hiện hành được Quốc hội ban hành năm 2014. Theo dự kiến, dự thảo luật Công chứng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7 vào tháng 5 và thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 năm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.