Kiến nghị nói trên được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu khi thẩm tra dự án luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi tại phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 23.4. Đây là dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7 khai mạc ngày 20.5 tới.
Theo ông Mạnh, việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dựa trên thực tế là số thuế thu được không đáng kể so với chi phí quản lý thu của cơ quan hải quan và chi phí tuân thủ của người nộp thuế. Trước đây, số lượng hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu không quá nhiều nên tác động tổng thể tới số thu là không đáng kể.
Tuy nhiên, ông Mạnh cho hay, hiện nay, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của nhiều quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng nhiều lần trong thời gian qua.
Ông Mạnh dẫn chứng số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông Việt Nam: tháng 3.2023, có trung bình khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng/ngày từ Trung Quốc về Việt Nam, giá trị mỗi đơn hàng từ 100.000 - 300.000 đồng. Theo đó, hàng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 -1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, TikTok,…
Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Từ đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tham khảo xu thế chung để cân nhắc bỏ quy định này, tạo điều kiện mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.
Theo quy định tại Quyết định 78 năm 2010 của Chính phủ, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT.
Đề xuất tăng mức thuế suất VAT
Một đề nghị khác của cơ quan thẩm tra Quốc hội là tăng thuế suất thuế VAT theo lộ trình. Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho hay, với thuế VAT, Việt Nam đang áp dụng 3 mức thuế suất, lần lượt là 0%, 5% và 10%. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mức thuế suất phổ thông 10% hiện thấp so với các nước.
Theo ông Mạnh, thuế suất trung bình tại châu Á là 12%, khu vực Mỹ La tinh là 14%, châu Phi 16%, châu Âu 22%. Còn mức thuế VAT trung bình toàn cầu là 15%.
"So sánh này cho thấy Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất thuế VAT trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu và cho biết một số nước ASEAN đã tăng thuế VAT như một giải pháp thu ngân sách sau dịch Covid-19. Ví dụ, tháng 4.2022, Indonesia tăng từ 10% lên 11%. Singapore tăng theo lộ trình 2 năm, từ 7% lên 8% vào 1.2023 và từ đầu năm nay là 9%.
Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng đã xác định định hướng "nghiên cứu tăng thuế suất thuế VAT theo lộ trình".
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá tác động đối với một số phương án tăng thuế suất theo lộ trình để có thể cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất trong dự án luật một cách phù hợp, sau khi nền kinh tế đã được phục hồi, có thể vào cuối giai đoạn 5 năm 2026 - 2030.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, xây dựng luật khó vì đụng chạm tới lợi ích của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nên người nộp thuế có nhiều ý kiến.
Về ý kiến thuế suất các quốc gia khác cao, còn Việt Nam chỉ 10%, ông Phớc nhấn mạnh, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nên Quốc hội đã quyết định giảm mức thuế suất từ 10% xuống 8%. Việc này giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vì thế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, mức thuế suất 10% hiện nay là phù hợp.
Bình luận (0)