Đề xuất dao là vũ khí: Người dân sử dụng thế nào để không vi phạm?

30/12/2023 10:10 GMT+7

Bộ Công an muốn bổ sung dao vào danh mục vũ khí thô sơ để quản lý, ngăn chặn các tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Nếu luật này được thông qua, người dân phải dùng dao đúng quy định để tránh vi phạm pháp luật.

Tại dự thảo luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi, Bộ Công an đề xuất quy định dao là vũ khí thô sơ vì có tính sát thương cao. Thời gian gần đây, tội phạm dùng dao để gây án đang có xu hướng gia tăng.

Đề xuất dao là vũ khí: Người dân sử dụng thế nào để không vi phạm?- Ảnh 1.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp

KHẮC HIẾU


Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03 - Bộ Công an), cho biết thực tế đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến quy định của luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho thấy nhiều đối tượng dùng dao lắp thêm cán sắt dài khoảng 1,5 m để gây án, làm môi trường an ninh trật tự của người dân bị đe dọa nghiêm trọng.

Do đó, việc quy định dao trong nhóm vũ khí thô sơ là một trong những cách để quản lý và điều chỉnh hành vi của người sử dụng dao. Trên cơ sở đó, hạn chế việc sử dụng công cụ, phương tiện này để chống người thi hành công vụ cũng như là đe dọa đến đời sống an ninh, an toàn của người khác.

Bộ Công an đề xuất quy định dao là vũ khí

Cạnh đó, trong dự thảo luật này, ban soạn thảo quy định dao trong nhóm vũ khí thô sơ và trong trường hợp sử dụng dao để gây nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của người khác trái pháp luật (nếu chứng minh được) thì cơ quan chức năng sẽ xử lý hình sự về hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng để nâng cao tính răn đe và điều chỉnh hành vi trong xã hội đối với việc sử dụng dao.

Nói về lo ngại của nhiều người khi cho rằng quy định dao là vũ khí thô sơ sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống lao động của người dân, thiếu tướng Nguyên cho hay, dao có tính lưỡng dụng. Nếu người dân sử dụng vào lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, nếu tàng trữ, sử dụng dao vào mục đích vi phạm pháp luật thì dao trở thành đối tượng quản lý là vũ khí thô sơ hoặc nếu sử dụng để gây nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của người khác trái pháp luật thì lúc đó dao là vũ khí quân dụng.

Theo quy định hiện hành, vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.

Chỉ lực lượng quân đội, công an, dân quân, kiểm lâm, kiểm ngư, an ninh hàng không, hải quan cửa khẩu, lực lượng chống buôn lậu của hải quan, cơ sở huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động, trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh trong diện được trang bị vũ khí thô sơ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.