Đề xuất duy trì giảm 2% VAT năm 2023: Một mũi tên trúng nhiều đích

27/12/2022 14:17 GMT+7

Chính sách giảm thuế suất 2% thuế giá trị gia tăng có thể nói là một “liều thuốc” giúp người dân, doanh nghiệp tăng sức đề kháng, đồng thời hỗ trợ “ghìm cương” lạm phát, thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định…

“Ghìm cương” lạm phát thành công

Ngày 28.1.2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ trong năm 2022.

Nghị định hiện thực hóa Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và được dư luận đồng tình, các chuyên gia đánh giá là một quyết sách kịp thời trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong và sau đại dịch.

Giảm 2% VAT trên hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đã tác động trực tiếp đến mặt bằng giá cả hàng hóa

tn

Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, có thể nói năm 2022, Chính phủ đã chèo lái con thuyền kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng GDP cả năm kỳ vọng ở con số 8% với nhiều điểm sáng như xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, sản xuất công nghiệp…

Đặc biệt, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%, là thành công khi so sánh với các năm trước hay đặt trong bối cảnh nhiều quốc gia phải chống chọi với mức lạm phát 2 con số.

Kết quả tích cực trên có vai trò không nhỏ của Nghị định 15 về giảm VAT. Mức thuế giảm trên hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đã tác động trực tiếp đến mặt bằng giá cả hàng hóa, giúp kìm được giá thành và kéo theo giá bán hàng hóa không tăng sốc.

Dự báo thế giới sẽ tiếp tục trong cơn bão lạm phát, suy giảm việc làm, nguy cơ suy thoái kinh tế hiển hiện. Một nền kinh tế mở như Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động sâu sắc, dù có thể tác động đến muộn hơn do nhiều nguyên nhân.

Hiện nay, ngay trước thời điểm tết Nguyên đán 2023, hàng ngàn lao động bị mất việc làm do những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt vì thiếu đơn hàng, do tác động lâu dài của đại dịch Covid-19

Do đó, kiềm chế lạm phát để duy trì đà tăng trưởng sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian tới. Các công cụ kiềm chế lạm phát truyền thống như thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa thận trọng có lẽ sẽ tiếp tục được sử dụng.

Nhưng một trong số những công cụ trực tiếp vừa chứng minh hiệu quả tức thời trong năm 2022 này là giảm VAT với hàng hóa càng cần được xem xét tới.

Giảm thuế sẽ giảm được gánh nặng cho các doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm, hàng hóa

tn

Nuôi dưỡng nguồn thu

Kiềm chế lạm phát - mối lo có thể nói là lớn nhất trong 2023 đã được thực tế 2022 chứng minh. Mặc dù chưa có những đánh giá định lượng chính xác từng biện pháp tác động thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng, nhưng có thể khẳng định giảm VAT góp phần không nhỏ trong việc “cắt cơn” tăng giá hàng hóa.

Song, chính sách giảm VAT còn mang lại nhiều lợi ích hơn. Người hưởng lợi sẽ là toàn xã hội, từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cho đến từng cá nhân.

Với những người bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, hay những người giảm thu nhập do mất việc làm, giảm VAT giúp họ giảm gánh nặng chi tiêu. Đối với nhóm người tiêu dùng còn lại, giá cả hàng hóa giảm do thuế giảm chính là một yếu tố kích thích tiêu dùng hiệu quả.

Về phía các doanh nghiệp, thuế giảm dẫn đến giá thành giảm, nhờ đó doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, giảm giá bán, thúc đẩy gia tăng doanh số.

Đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp chưa hoàn toàn “khỏe” lại sau đại dịch, dễ bị cuốn theo những cơn gió được dự báo không lành của nền kinh tế thế giới, việc duy trì chính sách giảm VAT thực sự là một liều thuốc giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng trong thời gian tới. Và tất nhiên, khi doanh nghiệp khỏe sẽ kéo theo tất cả người lao động và người dân, nền kinh tế cũng khỏe hơn.

Hơn thế, những mặt hàng được áp giảm VAT hầu hết là hàng tiêu dùng, trong khi các hạng mục dịch vụ và các mặt hàng được hưởng lợi trong đại dịch sẽ không được hưởng mức thuế ưu đãi. Điều này giúp cán cân nền kinh tế cân bằng hơn, các ngành nghề còn gặp khó vẫn tiếp tục được hỗ trợ để phát triển.

Ngoài ra, chính sách giảm thuế này cũng tác động đến an sinh xã hội, gián tiếp tác động đến tâm lý người dân, doanh nghiệp, và do đó tạo nền tảng ổn định phát triển kinh tế.

Giảm thuế sẽ giúp giá cả hàng hóa không tăng sốc

tn

Thu ngân sách vượt 20% dự toán

Tất nhiên, có những lo ngại việc giảm thuế dẫn đến thu ngân sách giảm. Cụ thể, với mức giảm thuế 2% thu ngân sách giảm khoảng 25.700 tỉ đồng. Nhưng Chính phủ đã tìm được nhiều giải pháp thay thế trong năm 2022 như truy thu thuế thu nhập cá nhân, đánh thuế bất động sản hợp lý hơn, sử dụng các công cụ quản lý thuế hiệu quả...

Kết quả là thu ngân sách năm 2022 vẫn tăng trưởng tốt. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tạm tính đến ngày 15.12, thu ngân sách nhà nước đã vượt 19,8% dự toán với con số 1,69 triệu tỉ đồng, cao hơn 78.000 tỉ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 diễn ra hồi tháng 10, tháng 11.

Những con số trên đã chứng minh, việc giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu, giúp tăng thu ngân sách là hoàn toàn đúng đắn.

Cạnh đó, trước đây cũng có những lo ngại về sự xáo trộn, khó khăn trong kê khai và tính thuế khi áp mức thuế suất mới, hay khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi nộp thuế, nhưng thực tế sau vài tháng áp dụng, gần như hoạt động kê khai, nộp và thu thuế đã đi vào ổn định.

Đặt lên bàn cân những mặt lợi và hại nếu duy trì chính sách giảm VAT 2% trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, có thể thấy câu trả lời khá rõ.

Có lẽ vì vậy mà khá nhiều chuyên gia như ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)... đều đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT trong năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.