Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (HHNLVN) vừa có văn bản số 48/HHNL-VP ngày 29.9 gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam.
|
Văn bản nêu, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 14.4.2017 ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT, đến tháng 6.2019 có 82 nhà máy ĐMT với tổng công suất 4.460 MW đã được đưa vào vận hành, góp phần giảm phát điện, tiết kiệm chi phí sản xuất điện trong điều kiện sản lượng của các nhà máy thủy điện hạn chế do thiếu nước.
|
Do nhiều dự án nguồn điện đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quy hoạch VII điều chỉnh vào chậm, xuất hiện khả năng thiếu điện lớn từ năm 2021. Trong khi đó, thời gian xây dựng các dự án ĐMT rất nhanh (khoảng 6 tháng đối với dự án công suất 100 MW), nên việc tăng cường phát triển dự án ĐMT là phương án khả thi nhất để có thể khắc phục tình trạng thiếu điện trong thời gian tới.
|
HHNLVN đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT thay cho Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 14.4.2017 đã hết hiệu lực từ ngày 1.7.2019. Đặc biệt, do cường độ bức xạ của Việt Nam thay đổi nhiều theo các vùng, dẫn đến các dự án ĐMT nối lưới đang phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.
Để khắc phục tình trạng này, đề nghị thực hiện giá mua điện từ các dự án ĐMT nối lưới theo nhiều vùng (2 - 4 vùng) thay cho giá mua điện chung trong cả nước như hiện nay.
|
Việc áp dụng giá mua điện theo nhiều vùng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các đơn vị vận hành hệ thống điện có nhiều lựa chọn trong việc tích hợp nguồn ĐMT với các loại hình nhà máy điện khác trong khu vực nhằm đem lại hiệu quả cao nhất; giá mua ĐMT theo vùng đã được nhiều quốc gia áp dụng.
|
Theo HHNLVN, bên dưới các tấm panel ĐMT có thể trồng các loại cây thích hợp hoặc có thể nuôi trồng thủy sản (đối với các dự án ĐMT trên ao, hồ). Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. HHNLVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các dự án ĐMT nối lưới kết hợp với sản xuất nông nghiệp; khuyến khích chủ đầu tư các dự án ĐMT hợp tác với các hộ dân có quyền sử dụng đất thực hiện sản xuất nông nghiệp kết hợp với sản xuất điện.
Bình luận (0)