Trong hai ngày 11 và 12.4, tại TP.HCM, TAND tối cao tổ chức tọa đàm về “Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quy định của luật Tố tụng hành chính và đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Tố tụng hành chính theo tinh thần Hiến pháp năm 2013”.
Qua đó, về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, các chuyên gia pháp luật đa số thống nhất theo đề xuất của dự thảo, rằng mở rộng thêm thẩm quyền để Hội đồng giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đây là giải pháp giúp cho việc giải quyết vụ án không quay vòng nhiều lần, không có điểm dừng, gây tốn kém về chi phí và thời gian của đương sự cũng như của nhà nước.
Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, các đại biểu đề nghị “đã giao cho giám đốc thẩm được sửa trong luật Tố tụng hành chính thì cũng cần có chút thay đổi về cách thức giải quyết án của giám đốc thẩm”. Thẩm phán Huỳnh Văn Út, TAND tỉnh Cà Mau, cho rằng để làm tốt thẩm quyền mới này ở giai đoạn giám đốc thẩm và được các bên đương sự “tâm phục, khẩu phục” thì nên đảm bảo quyền tranh tụng ở giai đoạn này. “Nếu án chỉ dựa vào hồ sơ thì chưa thực sự khách quan. Do đó, nên có quy định, trong quá trình giải quyết, Hội đồng giám đốc thẩm có thể mời các bên lên để hai bên tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ”, ông Út nói.
Có ý kiến cho rằng, cấp giám đốc thẩm không phải cấp xét xử nên tăng thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định là không phù hợp. Không đồng tình quan điểm này, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng hiện tại Hội đồng giám đốc thẩm đã có thẩm quyền hủy bản án, quyết định có hiệu lực do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thì thẩm quyền được sửa lại cũng nằm trong nguyên tắc xét lại, nếu có vi phạm thì sửa cho đúng.
Bình luận (0)