Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý |
Với nội dung tên nước được quy định tại Điều 1, ông Lý cho hay còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại thứ nhất với đa số ý kiến đề nghị tiếp tục giữ tên nước như hiện nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) và loại ý kiến thứ 2 đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) vì tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập Tháng Tám năm 1945. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị một số tên gọi khác.
Theo ông Lý, trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến trên, Ủy ban (UB) Dự thảo nhận thấy, tên nước là CHXHCNVN hoặc VNDCCH đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của nhà nước ta là nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước CHXHCNVN là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên CNXH, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Với nội dung về sở hữu đất đai, thu hồi đất, UB Dự thảo một mặt đề nghị "bảo lưu" quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không quy định đa sở hữu về đất đai, mặt khác đề xuất giữ quy định thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong dự thảo. “Việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh việc thu hồi đất tràn lan, dự thảo quy định: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các trường hợp thu hồi đất do luật định. Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”, ông Lý nêu quan điểm của UB Dự thảo.
Trung thành với Tổ quốc đặt lên hàng đầu
|
Liên quan đến quy định tại điều 70 về vai trò của lực lượng vũ trang (LLVT), Chủ nhiệm UB Pháp luật cho hay qua lấy ý kiến nhân dân còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị đảo cụm từ “LLVT phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân” lên trước cụm từ “trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN)” vì cho rằng, LLVT của nước ta do Đảng thành lập và rèn luyện, do đó, để khẳng định bản chất cách mạng của lực lượng này, cần quy định rõ trong Hiến pháp nghĩa vụ trung thành với Đảng của LLVT.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ quy định này như Hiến pháp hiện hành, không quy định “LLVT phải tuyệt đối trung thành với ĐCSVN” vì cho rằng, cách quy định này vẫn đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện với LLVT, đồng thời, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho LLVT VN khi tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến nhân dân, UB Dự thảo trình QH điều 70 đã được chỉnh lý là “LLVT nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.
Chủ tịch nước có quyền đề xuất miễn nhiệm cấp tướng
Liên quan đến thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc phong hàm cấp tướng và bổ nhiệm các chức danh trong QĐNDVN, ông Lý cho hay qua góp ý và căn cứ vào thực tiễn hiện nay, UB Dự thảo dự kiến chỉnh lý trình QH cho ý kiến về việc bổ sung các trường hợp về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân trong các LLVTND và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN cho đầy đủ và phù hợp.
Liên quan đến các ý kiến đề xuất hiến định trưng cầu ý dân về Hiến pháp, thay vì giao QH quyết định việc này, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nêu quan điểm của UB Dự thảo cho rằng “về thực chất, dự thảo sửa đổi Hiến pháp trước khi trình QH thông qua đã thể hiện ý chí và trí tuệ của nhân dân. Vì vậy, quy định QH thông qua Hiến pháp không trái với nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Do đó, đề nghị giữ quy định “việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do QH quyết định”.
Đánh giá tín nhiệm thận trọng, khách quan, công tâm Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5 QH khóa 13, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, ngoài quyết nghị các vấn đề KTXH, ngân sách, QH sẽ tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; xem xét dự án luật Đất đai (sửa đổi); tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Chủ tịch QH khẳng định: “Trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ thông tin, tuân thủ quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, QH sẽ dành thời gian thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm, thể hiện mức độ tín nhiệm đối với các vị được QH lấy phiếu tín nhiệm”. Hôm nay, 21.5, QH sẽ nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật PCCC; luật Phòng, chống khủng bố. Chiều cùng ngày, các ĐB sẽ thảo luận tại tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế GTGT và luật Thuế TNDN. |
Bảo Cầm
>> Không thay đổi tên nước
>> Trình Quốc hội phương án về tên nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Bình luận (0)