Chiều nay, 7.5, tại Hà Nội, Bệnh viện Lão khoa T.Ư tổ chức hội thảo về sử dụng hiệu quả nhân viên chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam.
Theo một khảo sát do Bệnh viện Lão khoa T.Ư thực hiện năm 2016 với trên 600 người từ 80 tuổi trở lên cho thấy, 33% người được khảo sát là góa vợ/chồng, thu nhập trung bình chỉ trên 530.000 đồng/người/tháng. Gần 28% người cao tuổi được khảo sát cần trợ giúp khi mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, đi lại, ăn uống; 90% cần trợ giúp trong các hoạt động có sử dụng công cụ, dụng cụ như nấu ăn, sử dụng điện thoại, sử dụng phương tiện giao thông, giặt quần áo.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, trung bình một người già sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính. Với các bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư, một bệnh nhân có thể đến mắc 5 - 6 bệnh. Các bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi là tăng huyết áp, ung thư, hô hấp, thoái hóa khớp, suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, rối loạn đi và ngã...
Ông Trung Anh, Phó giám đốc Bệnh viện Lão khoa T.Ư, cho hay Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, đến năm 2050 ước có tới 31% người Việt ở lứa tuổi trên 60. Việt Nam đang rất thiếu bác sĩ chuyên về lão khoa, thiếu điều dưỡng và nhân viên được đào tạo chăm sóc người cao tuổi.
Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất cần quan tâm phát triển hệ thống chăm sóc dài ngày cho người cao tuổi thông qua các hình thức phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế; hình thành khu chung cư cho người già, đồng thời với việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi.
Bình luận (0)