Đề xuất lực lượng công an được bố trí tối đa 85% tiền xử phạt giao thông

07/08/2024 11:15 GMT+7

Theo đề xuất, lực lượng công an được ngân sách bố trí 70 - 85% khoản thu từ xử phạt để thực hiện tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ bảo đảm an toàn giao thông.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) có hiệu lực từ 1.1.2025, quy định 6 nhóm chính sách của Nhà nước về TTATGTĐB. 

Một trong số này là bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm TTATGTĐB theo quy định của Chính phủ.

Để quy định chi tiết nội dung trên, Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB và đấu giá biển số xe.

Đề xuất lực lượng công an được bố trí tối đa 85% tiền xử phạt giao thông- Ảnh 1.

Theo đề xuất, cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ vào ban đêm hoặc trực tiếp xử lý ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm tại các thành phố trực thuộc T.Ư được chi bồi dưỡng (ảnh minh họa)

HOÀNG TUÂN

Tối đa 85% tiền xử phạt và 30% tiền đấu giá biển số

Theo dự thảo do Bộ Công an soạn thảo, các cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB gồm: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ GTVT, Bộ Công an, HĐND và UBND cấp tỉnh.

Ngoài ra, còn có Ban An toàn giao thông cấp tỉnh và cấp huyện, các lực lượng khác tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông thuộc lực lượng công an, Bộ GTVT và UBND cấp tỉnh.

Đối với kinh phí thu từ đấu giá biển số xe, cơ quan được sử dụng gồm Bộ Công an và các lực lượng khác tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông thuộc lực lượng công an.

Đề xuất công an được bố trí tối đa 85% tiền xử phạt giao thông

Về nguyên tắc, dự thảo nêu rõ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn kinh phí bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật.

Trong đó, lực lượng công an được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện hoạt động tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông 70 - 85% khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB và 30% khoản thu từ đấu giá biển số xe.

Các cơ quan khác được sử dụng thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB được ngân sách nhà nước bố trí 15 - 30% khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB.

Việc lập, phân bổ dự toán kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB và đấu giá biển số xe trong lực lượng công an thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh.

Với các cơ quan khác, việc lập, phân bổ dự toán kinh phí thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Đề xuất lực lượng công an được bố trí tối đa 85% tiền xử phạt giao thông- Ảnh 2.

Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGTĐB

HOÀNG TUÂN

Chi vào những nội dung gì, mức chi bao nhiêu?

Dự thảo do Bộ Công an soạn thảo cũng quy định chi tiết về nội dung và mức chi kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB.

Nội dung chi chung gồm: chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; sơ kết, tổng kết, triển khai nhiệm vụ; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; mua sắm trang thiết bị, phương tiện; chi tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ; thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông…

Cùng đó còn có các nội dung chi đặc thù của từng cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB.

Với lực lượng công an, nội dung chi đặc thù gồm: điều tra giải quyết tai nạn giao thông; bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ vào ban đêm hoặc trực tiếp xử lý ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm tại các thành phố trực thuộc T.Ư; chi mua sắm phục vụ nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng CSGT; xây dựng, cải tạo, sửa chữa… các công trình chỉ huy, trụ sở, nơi làm việc, tạm giữ phương tiện vi phạm của lực lượng CSGT…

Về mức chi cụ thể, dự thảo đề xuất không quá 1 triệu đồng mỗi tham luận phục vụ hội nghị, hội thảo, tọa đàm; tiền thuê hội trường không quá 200 triệu đồng mỗi cuộc; hỗ trợ tham dự tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng 200.000 đồng/học viên/ngày, 500.000 đồng/giảng viên/ngày.

Chi thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông: không quá 10 triệu đồng mỗi trường hợp tử vong, không quá 5 triệu đồng mỗi trường hợp bị thương nặng.

Chi bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ vào ban đêm: tối đa 200.000 đồng/người/ca, mỗi tháng không quá 10 ca.

Chi bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống ùn tắc là 100.000 đồng/ca, tại Hà Nội và TP.HCM tối đa không quá 15 ca/tháng, tại Hải Phòng và Đà Nẵng tối đa không quá 10 ca/tháng, tại Cần Thơ tối đa không quá 5 ca/tháng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.