Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí mới đây đã hoàn thiện và trình dự thảo luật Chuyển đổi giới tính (gọi tắt là chuyển giới), để lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Khi nào được chuyển giới?
Dự thảo luật đưa ra một số định nghĩa liên quan đến vấn đề chuyển giới. Trong số này, "bản dạng giới" là cảm nhận sâu sắc bên trong và cá nhân của một người về giới của mình là nam hoặc nữ, có thể tương thích hoặc không tương thích với thể chất hoặc giới tính khi sinh của người đó.
Giới tính khi sinh là giới tính nam hoặc nữ, được gán cho một người ở thời điểm được sinh ra, chủ yếu dựa trên giải phẫu sinh dục ngoài.
"Bức bối giới" là tình trạng khó chịu hoặc đau khổ bị gây ra bởi sự không thống nhất giữa bản dạng giới và giới tính khi sinh của một người. "Bức bối giới quá mức" là tình trạng bức bối giới nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc có những phản ứng tiêu cực về tinh thần và hành vi.
Người đề nghị can thiệp y học để chuyển giới phải đảm bảo 5 điều kiện sau:
Thứ nhất là từ đủ 18 tuổi trở lên. Trường hợp từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận có tình trạng bức bối giới quá mức và được sự đồng ý của người giám hộ.
Thứ hai là đã được tư vấn pháp lý theo quy định. Thứ ba là có năng lực hành vi dân sự. Thứ tư là không thuộc trường hợp đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, hình phạt hình sự bổ sung như cấm đi khỏi nơi cư trú và chưa được xóa án tích.
Thứ năm là tình trạng hôn nhân. Dự thảo luật đề xuất 2 phương án để lựa chọn: phương án 1 là độc thân, phương án 2 là không quy định tình trạng hôn nhân (có thể chuyển giới khi đã lập gia đình - PV).
Đáng chú ý, dự thảo luật quy định công dân chỉ được chuyển giới một lần trong cuộc đời. Việc can thiệp y học để chuyển giới chỉ thực hiện sau khi người đề nghị chuyển đổi giới tính đã được tư vấn tâm lý, y tế, pháp lý.
Người chuyển giới có quyền lợi gì?
Theo dự thảo luật, người chuyển giới được công nhận giới tính mới sau khi đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; được lựa chọn phương pháp can thiệp y học để chuyển giới phù hợp với sức khỏe, mong muốn và khả năng tài chính của mình.
Người chuyển giới sẽ có đầy đủ quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan; được giữ nguyên quan hệ cha, mẹ, con cũng như quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân gia đình trước khi chuyển đổi giới tính bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi.
Đặc biệt, người chuyển giới được lưu giữ tinh trùng, trứng để duy trì nòi giống thông qua các dịch vụ sinh sản phù hợp với đạo lý và pháp luật Việt Nam; được bảo lưu thông tin trên các văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trước khi chuyển đổi giới tính.
Người chuyển giới cũng được công nhận quyền tài sản đối với tài sản tạo lập trước khi chuyển đổi giới tính. Trường hợp trên giấy chứng nhận quyền tài sản có thông tin giới tính thì cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền tài sản có nghĩa vụ điều chỉnh thông tin giới tính theo giới tính được công nhận của người chuyển đổi giới tính.
Ngoài ra, người chuyển giới còn được hưởng các chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và quy định của pháp luật khác có liên quan phù hợp với giới tính đã chuyển đổi.
Cùng với đó là được thay đổi thông tin giới tính trên các giấy tờ tùy thân sau khi được công nhận là người chuyển giới; được bảo đảm quyền học tập, lao động và hòa nhập gia đình, xã hội theo giới tính đã được công nhận…
Bình luận (0)