Đề xuất Nhà nước chi 130.000 tỉ đồng để EVN cắt lỗ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
23/05/2023 22:36 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) đề xuất dùng 130.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa sử dụng năm 2022 giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cắt lỗ.

Đề nghị giữ giá điện ở diện bình ổn giá

Báo cáo tiếp thu dự thảo luật Giá sửa đổi tại phiên họp chiều nay 23.5 kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, liên quan danh mục hàng hóa bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa điện ra khỏi diện bình ổn giá.

Đề xuất Nhà nước chi 130.000 tỉ để EVN cắt lỗ, hạ giá điện - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận nêu ý kiến thảo luận tại phiên họp

GIA HÂN

Theo ông Mạnh, hiện mặt hàng này thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá (kể cả giá bán lẻ, bán buôn cũng như tại các khâu phát, truyền tải...).

Việc định giá, điều chỉnh giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định nên bao quát các mục tiêu về ổn định giá, tác động đến đời sống người dân, doanh nghiệp cũng như phương án kinh doanh của doanh nghiệp điện.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân: Đề xuất Nhà nước chi 130.000 tỉ đồng để EVN cắt lỗ

Thảo luận sau đó, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Yên Bái, nêu dự thảo luật quy định danh mục 10 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá nhưng không thấy có giá điện. Giá điện được quy định tại danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Đại biểu đoàn Yên Bái đề nghị bổ sung giá điện vào danh mục mặt hàng cần bình ổn giá.

"Đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân", ông Luận phân tích.

Đại biểu Luận cũng cho rằng, thực tế giá thay đổi thường xuyên theo hướng chỉ tăng mà không giảm, nhưng tăng giá điện vẫn chưa đủ bù đắp chi phí, dẫn tới ngành điện lỗ lớn, gây mất cân đối dòng tiền, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Vì lẽ này, theo đại biểu Luận, mặt hàng điện cần được cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện giải pháp ổn định giá và đưa vào danh mục bình ổn giá.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu băn khoăn: "Xăng, dầu có người dùng có người không mà chúng ta vẫn bình ổn giá, đằng này điện 100% người dân đều sử dụng tại sao không đưa vào diện bình ổn giá".

Từ đó, đại biểu Hòa kiến nghị nếu đưa điện trở lại diện bình ổn giá thì người dân sẽ rất hoan nghênh.

Nhà nước điều tiết giá điện mà "không chi một đồng nào"

Cũng liên quan tới giá điện, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay, Nhà nước điều tiết giá điện ở Việt Nam bằng "mệnh lệnh hành chính" chứ "Nhà nước không chi một đồng nào".

Đề xuất Nhà nước chi 130.000 tỉ để EVN cắt lỗ, hạ giá điện - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Theo ông, việc Nhà nước điều tiết giá mà không hỗ trợ doanh nghiệp hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo cách các nước đang làm hiện nay đã đẩy EVN vào cảnh thua lỗ.

Tổng lỗ sản xuất điện 3 năm 2021 - 2023 dự kiến khoảng hơn 100.000 tỉ đồng, bằng 49% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, tập đoàn đang nợ khách hàng của mình 19.700 tỉ đồng đến hạn phải trả nhưng không có tiền để trả.

Theo ông Nhân, đến năm 2024, nếu giá điện không tăng thì dự báo tổng lỗ tích lũy qua 4 năm sẽ khoảng từ 112.000 - 144.000 tỉ đồng, tức là mất 54 - 70% vốn điều lệ của EVN. Còn nếu giá điện tăng 3% năm 2024 thì dự kiến lỗ từ 94.000 - 126.000 tỉ đồng, tức là mất 46 - 61% vốn chủ sở hữu.

Ông Nhân cho hay, năm 2022, tổng vốn đầu tư công không được sử dụng là gần 130.000 tỉ đồng. Nếu sử dụng phần ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt nhưng không sử dụng để cắt lỗ do phương pháp điều tiết giá của Nhà nước gây ra thì EVN sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

Từ đó, ông Nhân đề nghị luật Giá sửa đổi bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo là Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá.

Việc này sẽ giúp EVN - tập đoàn Nhà nước lớn nhất Việt Nam năm 2024 sẽ không tiến tới trạng thái sắp phá sản mà phải phát triển bền vững, theo ông Nhân.

Đề xuất Nhà nước chi 130.000 tỉ để EVN cắt lỗ, hạ giá điện - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói Chính phủ xin không tiếp thu các đề xuất của đại biểu

GIA HÂN

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá điện hiện đã đưa vào diện Nhà nước định giá rồi, nên không đưa vào bình ổn nữa. Theo ông Phớc, việc định giá sẽ có lợi cho người tiêu dùng, tức là có lợi cho người dân.

Ông Phớc nói có nhiều lý do. Thứ nhất, hiện nay ngân sách đang còn hạn hẹp. Doanh nghiệp sản xuất điện, hiện nay chủ yếu là EVN, là tập đoàn của Nhà nước chiếm trên 50%. Thứ hai, nếu hỗ trợ bằng ngân sách thì phải sửa luật Ngân sách để phù hợp. "Cho nên, chúng tôi xin chưa tiếp thu ý kiến này", ông Phớc nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.