Cần giao T.Ư Đoàn làm Cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam
Ngày 13.4, T.Ư Đoàn, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam (Ủy ban) tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Quyết định kiện toàn, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ Ủy ban, với sự chủ trì của anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban.
Nâng tầm Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam là cần thiết
Tại hội nghị, T.Ư Đoàn đã đề xuất việc kiện toàn cơ cấu, tổ chức của Ủy ban theo hướng cần có một phó thủ tướng là Chủ nhiệm Ủy ban. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm Phó chủ nhiệm thường trực (thay vì làm chủ nhiệm như trước đây - PV). Lý giải về đề xuất này, T.Ư Đoàn cho biết Ủy ban là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng về công tác thanh niên, nên cần thiết có một phó thủ tướng làm chủ nhiệm, nhằm tăng cường tính chỉ đạo quyết liệt, giải quyết, đôn đốc công việc hiệu quả hơn.
Cũng theo T.Ư Đoàn, trong thực tiễn gần 23 năm qua, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn được giao làm Chủ nhiệm Ủy ban. Tuy nhiên, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn không phải là thành viên Chính phủ, do đó việc duy trì chế độ họp, tổ chức hoạt động của Ủy ban, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên và công tác thanh niên còn có khó khăn nhất định. Mặt khác, theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, một số ủy ban tư vấn giúp việc cho thủ tướng đều phân công một phó thủ tướng làm chủ nhiệm.
Đa số các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất với đề xuất này và cho rằng việc nâng tầm Ủy ban là phù hợp và cần thiết. Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội cựu TNXP Việt Nam, cho rằng phó thủ tướng làm Chủ nhiệm Ủy ban là điều rất cần thiết, trước yêu cầu, khát vọng đưa đất nước Việt Nam phát triển hùng cường vào năm 2045. Theo ông Kim, thanh niên là lực lượng quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước chăm lo, bồi dưỡng, phát triển; nắm bắt được thanh niên, hiểu sâu sắc thanh niên và có quyết sách cụ thể thúc đẩy thanh niên thì đất nước sẽ phát triển.
Ông Kim cho rằng T.Ư Đoàn phải là đơn vị thường trực của Ủy ban, làm trụ cột giải quyết các vấn đề của thanh niên, đưa thanh niên vào rèn luyện, hoạt động, trở thành những con người “vừa hồng, vừa chuyên”.
Thống nhất với quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cho biết Ủy ban được thành lập từ thực tiễn yêu cầu công tác thanh niên. Từ trước đến nay, Chủ nhiệm Ủy ban là bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, nhưng với đề xuất mới về việc phó thủ tướng làm Chủ nhiệm Ủy ban là cần thiết, bởi đây là một việc làm tốt cho thanh niên.
Theo ông Vinh, điều quan trọng là cần bàn về cơ quan thường trực của Ủy ban. Trên thực tiễn, Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên nhưng chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển của thanh niên. “T.Ư Đoàn là cơ quan thường trực của Ủy ban sẽ hợp lý nhất. T.Ư Đoàn là đơn vị nắm rõ nhất, sát sao với thanh niên, chủ động nghiên cứu và có đầy đủ lực lượng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm đạt hiệu quả cao nhất”, ông Vinh nói.
Phát huy ý nghĩa của luật Thanh niên
Kết luận hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết hội nghị đã có 13 ý kiến phát biểu. Qua các ý kiến cho thấy Bộ Nội vụ đã chủ động, trách nhiệm trong việc tham mưu ban hành quyết định kiện toàn sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ của Ủy ban. Trong quá trình đó, đã có nghiên cứu đánh giá xin ý kiến của các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, qua ý kiến phát biểu thì hồ sơ trình lên Thủ tướng cần hoàn thiện thêm, cần bám sát hơn luật Thanh niên và cần tổng hợp tiếp thu nghiên cứu, giải trình thấu đáo.
“Cơ quan soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Ủy ban để đảm bảo quyết định mới bám sát tinh thần của luật Thanh niên, vì sự phát triển chung của thanh niên, của đất nước và chăm lo tốt hơn cho thanh niên, thực hiện tốt hơn chính sách cho thanh niên”, anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo anh Tuấn, đa phần ý kiến ủng hộ phương án mời thường trực Chính phủ làm Chủ nhiệm Ủy ban. Nếu làm được việc này thì ý nghĩa của luật Thanh niên năm 2000 mới được phát huy, vai trò của Ủy ban mới được nâng lên; Ủy ban mới thực sự là cơ quan phối hợp liên ngành, điều phối công việc sẽ tốt hơn, phát huy được sự tham gia của các bộ, ngành nhiều hơn…
“Về ý kiến phó chủ nhiệm thường trực là ai, đa phần các ý kiến ủng hộ nên để cơ quan thường trực là T.Ư Đoàn vì nhiều lý lẽ; trong đó, căn cứ vào thực trạng và bộ máy tổ chức, với quan điểm ai có năng lực làm tốt thì giao cho cơ quan đó làm, để tốt cho công việc chung”, anh Tuấn nói.
Anh Tuấn cũng cho biết, sau hội nghị, T.Ư Đoàn sẽ xin ý kiến Ban Chấp hành T.Ư Đoàn và có bản kiến nghị của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn liên quan đến quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ kiện toàn Ủy ban, để trình Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận (0)