Đề xuất Quảng Ngãi đặt tên đường Lê Văn Duyệt

21/02/2023 21:02 GMT+7

Cách đây hơn hai chục năm, tôi có viết một bài về Tả quân Lê Văn Duyệt, bài mang tên "Người tiên phong đưa Sài Gòn mở cửa". Bài ấy nói về công lao mở cửa Sài Gòn-Gia Định của Tổng trấn, Tả quân Lê Văn Duyệt.

Chuyện "mở cửa" ra thế giới của Gia Định thành hồi ấy là thành tựu ngoại giao rất lớn mà Tả quân Lê Văn Duyệt đã làm được. Khách buôn bán phương Tây khi đến Sài Gòn ngày ấy đều được Tả quân tiếp đón ân cần, và khi về nước họ đều bày tỏ qua những bài viết hay những cuốn sách ngợi ca tấm lòng rộng mở của Tả quân Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt.

Nhưng không chỉ đối ngoại Tả quân Lê Văn Duyệt mới hành xử như một nhà lãnh đạo xuất sắc, mà đối nội, trước thực trạng Gia Định thành khi đó, lưu dân mới tụ về, nạn cướp bóc trộm đạo còn tràn lan, dân lành khó yên ổn làm ăn, thì Tả quân Tổng trấn bằng cái uy và cái ân của mình đã thu phục được nhiều băng trộm cướp, giúp họ "gác kiếm bỏ nghề", về làm dân lương thiện. Ân và uy, thưởng và phạt công bằng, phân minh của Lê Văn Duyệt đã giúp ổn định tình hình trật tự xã hội Gia Định thành hồi đó, khiến dân lành yên ổn làm ăn buôn bán, làm cho bộ mặt Gia Định thành trở nên thu hút, tạo được niềm tin trong dân, và thực sự khiến khách giao dịch buôn bán khi tới Gia Định thành đều hài lòng. Công lao đối nội ấy của Lê Văn Duyệt mới thật lớn. Nói như bây giờ, là mọi quyết sách của Ngài Tả quân đều vì dân, từ dân mà đề ra quyết sách, và có những biện pháp vừa nhu vừa cương để thực hiện những quyết sách vì dân ấy.

Hai lần làm Tổng trấn Gia Định thành, phụng sự đắc lực và xuất sắc từ triều Gia Long tới triều Minh Mạng, Lê Văn Duyệt là một quan lại cao cấp đã mang tới sự bình yên và phát triển cho cả vùng đất Nam bộ. Đó là ông quan thanh liêm hết mực, chăm lo cho dân lành có bữa cơm no, tấm áo lành, cho dân an vui trong cộng đồng, một ông quan như thế, thời nào cũng vô cùng đáng quý chứ không chỉ trong thời phong kiến.

Tả quân Lê Văn Duyệt sinh tại Cái Bè - Mỹ Tho, nhưng ông nội của Tả quân là người quê Đức Nhuận, Mộ Đức, Quảng Ngãi, là lưu dân vào đất Chín Rồng sinh cơ lập nghiệp. Gia tộc họ Lê ấy đã sinh một võ tướng, một văn thần, một vị quan cai trị tuyệt vời là Lê Văn Duyệt.

Khi Lê Văn Duyệt mất, ông còn phải chịu những đớn đau thăng trầm sau khi mất. Vì ông đã từng chống tham nhũng quyết liệt khi còn sống và đương chức, đã xuống lệnh xử án chém vì tội tham nhũng với Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý - là bố vợ Vua Minh Mạng. Điều đó dẫn tới những thăng trầm mà con người lớn lao này phải chịu sau khi mất. Nhưng rồi, thời Thiệu Trị lên ngôi vua, Lê Văn Duyệt đã được phục hồi danh giá.

Sau hòa bình năm 1975, có một thời gian dài tên Lê Văn Duyệt không còn xuất hiện trên những tên đường phố Sài Gòn. Nhưng Lăng Ông - Bà Chiểu thì vẫn đầy tôn nghiêm, vẫn tấp nập người tới viếng, vẫn hàng ngày khói hương nghi ngút. Vì nhân dân vẫn một lòng kính yêu thương xót con người vĩ đại ấy.

Rồi cách đây vài ba năm, TP.HCM đã quyết định trùng tu Lăng Ông, đặt tên đường Lê Văn Duyệt cho đoạn phố rất đẹp bắt đầu từ Lăng Ông và đã khiến nhân dân TP.HCM hân hoan thỏa nguyện.

Đề xuất Quảng Ngãi đặt tên đường Lê Văn Duyệt - Ảnh 1.

Biển tên mới của đường Lê Văn Duyệt tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Ngọc Dương

Tôi được biết, Quảng Ngãi cũng đã đưa tên Lê Văn Duyệt vào "Ngân hàng tên đường phố", nhưng vì TP.Quảng Ngãi chưa có con đường nào xứng đáng để đặt tên, nên đường Lê Văn Duyệt vẫn chưa có.

Công lao của Tả quân Lê Văn Duyệt với chính mảnh đất Quảng Ngãi cũng rất lớn. Khi được lệnh vua cầm quân dẹp loạn Đá Vách - miền núi Quảng Ngãi, Lê Văn Duyệt đã ra uy rồi thi ân khiến những loạn quân tìm được đường sống, trở về làm dân lương thiện. Ông là người đã chỉ huy hoàn tất Trường Lũy miền Tây Quảng Ngãi, kéo dài từ Trà Bồng, Quảng Ngãi vào tới An Lão, Bình Định. Trường Lũy dài gần 200 km nhưng không ngăn cách hoạt động giao thương buôn bán giữa người Kinh và người Thượng, vì mỗi "Bảo" đều là mỗi cửa mở giao thương. Từ chiến tranh đã chuyển sang kinh tế thị trường "Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên" một cách vô cùng ngoạn mục.

Về Lê Văn Duyệt thì có thể kể công trạng của ông với dân với nước rất dài. Nhưng để Quảng Ngãi có một cái tên, một dấu ấn tưởng nhớ về Tả quân Lê Văn Duyệt, thì việc đặt cho ông một tên đường xứng đáng là cần thiết. Hiện TP.Quảng Ngãi đang mở con đường từ TP lên Chợ Chùa, Nghĩa Hành, rất gần với Trường Lũy Quảng Ngãi. Xin đề nghị Quảng Ngãi lấy con đường ấy mang tên Lê Văn Duyệt thì vừa hợp lẽ vừa hợp tình. Con đường ấy tương lai còn được mở rộng hơn, như sự nghiệp Tả quân còn được con cháu muôn đời sau nhắc nhở với lòng tri ân sâu sắc.     

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.