Trong buổi tọa đàm “Nghiên cứu, trao đổi về những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, quy trong dự thảo luật Việc làm sửa đổi” do Cục Việc làm, Bộ LĐ - TB - XH tổ chức tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vào ngày 12.4, các đại biểu, nhà khoa học đã tranh luận về đề xuất quản lý giờ và quản lý sinh viên đi làm thêm.
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết quy định giờ làm thêm của sinh viên là chính sách rất nhân bản. Hiện nay, thực trạng nhiều bạn lo đi làm mà quên mất việc học, kết quả học tập bị ảnh hưởng. Do đó phải có công cụ quản lý việc làm thêm của sinh viên.
“Tại điều 30 của dự thảo luật Việc làm sửa đổi quy định các trường có trách nhiệm quản lý việc làm thêm của sinh viên ngoài giờ. Tôi thấy rằng trường hợp sinh viên đi làm thêm nhiều hơn quy định của luật thì làm sao nhà trường biết được, các em có bao giờ khai báo đâu. Chúng ta phải xem xét công cụ quản lý của mình đã đủ để quản lý việc sinh viên đi làm thêm hay chưa, còn nếu không thì tôi nghĩ cần phải xem xét lại. Nếu không thì chúng ta có lộ trình thực thi, đưa ra mà chưa thực thi được ngay sẽ tạo tâm lý nhờn luật”, thạc sĩ Trần Nam nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hảo, Trưởng khoa Khoa học liên ngành, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng nhà trường quản lý sinh viên đi làm thêm là rất khó. Tiến sĩ Hảo đề xuất nếu chuyển đổi theo hướng cho doanh nghiệp, nhà tuyển dụng chịu trách nhiệm việc này.
“Các cơ quan cần đồng bộ cơ sở dữ liệu liên quan đến tất cả đối tượng trong xã hội. Người sử dụng lao động kiểm tra tình trạng của đối tượng tuyển dụng là sinh viên đang học ở một trường nào đó, sau đó yêu cầu sinh viên khi nộp hồ sơ vào xin việc phải có giấy xác nhận đi làm bán thời gian do nhà trường cung cấp cho phép làm theo quy định của luật. Khi đó sẽ có quản lý của các cơ quản lý nhà nước về việc doanh nghiệp có làm đúng quy trình, quy định của luật hay không”, tiến sĩ Hảo nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Huyền Trang, Phó trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, khi sinh viên đủ 18 tuổi đã có quyền công dân. Điều 35 Hiến pháp 2013, quy định công dân có quyền tự do lựa chọn việc làm. Việc đưa nội dung quản lý việc làm bán thời gian của sinh viên thì tương thích như thế nào với Hiến pháp 2013. Tiến sĩ Trang mong ban soạn thảo cân nhắc ở khía cạnh này. Ngoài ra, ban soạn thảo cần tổ chức cho sinh viên thảo luận, đóng góp về dự luật này vì có điều khoản liên quan đến các bạn.
Ông Vũ Phạm Dũng Hà, Trưởng phòng chính sách việc làm, Cục Việc làm, Bộ LĐ - TB - XH, cho biết: “ Có rất nhiều tranh luận là có quản lý hay không quản lý sinh viên đi làm thêm. Trong dự thảo luật chúng tôi có đưa ra quy định các trường quản lý sinh viên. Hàm ý của quy định này là chúng tôi mong cơ sở giáo dục là biết được sinh viên của mình có hay không việc đi làm thêm. Theo tôi, hiện nay có 2 cách để quản lý sinh viên đi làm thêm là: thứ nhất, doanh nghiệp phải thông báo đến cho cơ sở giáo dục nơi sinh viên đang theo học; thứ 2 sinh viên muốn đi làm phải xin giấy xác nhận của trường”.
Thạc sĩ Trần Nam đề xuất việc sinh viên đi làm bán thời gian cần phải có quy định chặt chẽ, ký kết hợp đồng lao động rõ ràng để tránh làm việc xong bị lừa đảo hoặc quỵt tiền thì gây ảnh hưởng cho các em. Các cơ quan cần thanh tra kiểm tra công việc mà sinh viên đi làm có vấn đề gì bất thường để đưa ra cảnh báo.
“Nhiều sinh viên đi làm không có ký kết hợp đồng lao động, thỏa thuận việc làm dựa trên những buổi nói chuyện, lúc bị quỵt tiền công, nhiều trường hợp rơi vào mạng lưới đa cấp trá hình, thầy cô phải tìm cách liên hệ cơ quan công an địa phương để hỗ trợ. Vì thế, cần có quy định chặt chẽ là sinh viên đi làm bán thời gian, toàn thời gian phải có hợp đồng lao động”, thạc sĩ Trần Nam nói.
Theo ông Vũ Phạm Dũng Hà, Bộ luật lao động đã có quy định về hợp đồng không trọn thời gian, luật bảo hiểm xã hội đang sửa đổi đưa vào quy định làm việc theo hợp đồng lao động không trọn thời gian, có tiền lương, thu nhập cao hơn hoặc thấp nhất bằng nửa lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ thì thuộc diện đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ví dụ, mức lương tối thiểu vùng cao nhất ở TP.HCM là 4.680.000 đồng, sinh viên đi làm thêm trên 2.340.000 đồng/tháng thì thuộc diện đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
“Bộ Luật lao động quy định giờ làm việc là 8 giờ/ngày, không quá 48 giờ/tuần, khu vực công áp dụng 40 giờ/tuần. Việc chính của sinh viên là học hành nên chúng tôi mới đưa ra đề xuất quy định làm thêm không quá 20 giờ/tuần”, ông Vũ Phạm Dũng Hà thông tin.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục việc làm, Bộ LĐ - TB - XH, nói: “Qua phần thảo luận của các thầy cô, tôi nhận thấy nhiều vấn đề như: Sinh viên làm thêm, quản lý như thế nào? Nhà trường chỉ quản lý giáo dục, ngoài thời gian đó, trách nhiệm của nhà trường có phải quản lý sinh viên không? Rồi việc bảo vệ quyền lợi cho sinh viên, hợp đồng lao động ra sao? Chúng tôi sẽ cân nhắc, trao đổi, tiếp thu điều chỉnh cho phù hợp”.
Liên quan đến vấn đề giới thiệu cho việc làm cho sinh viên ở các trường, thạc sĩ Trần Nam cho biết, thầy cô ở các trung tâm việc làm của các trường phần đa là nhân viên của trường, họ tự tìm hiểu kiến thức về việc làm nhưng nhiều người chưa chắc nắm được các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, các tranh chấp pháp lý liên quan đến hợp đồng lao động. Do đó, Điều 82 của dự thảo luật Việc làm sửa đổi có đề cập về việc đào tạo cấp chứng chỉ tư vấn viên dịch việc làm là điều cần thiết để thầy cô hỗ trợ cho sinh viên tốt hơn.
Bình luận (0)