Cần giải pháp và tiếp cận phù hợp
Theo đánh giá của TS-BS Hà Anh Đức, Phó chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện có các sản phẩm thuốc lá truyền thống đối với những người trưởng thành và thuốc lá mới với người sử dụng đa số là người trẻ. "Do đó cần có những thay đổi trong phương pháp tiếp cận phù hợp. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm môi trường không khói thuốc và xem xét hiệu quả hiệu lực đối với các biện pháp cấm khói thuốc lá tại các môi trường như bệnh viện; và đổi mới, đa dạng hóa công tác truyền thông phù hợp, hiệu quả", TS Đức lưu ý.
Trước xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá mới ở người trẻ, ThS Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, cho rằng, công tác tuyên truyền ngăn chặn sự xâm nhập của thuốc lá mới vào giới trẻ sẽ được thiết kế phù hợp để tạo ra sự đồng thuận. Tới đây, Quỹ sẽ tăng cường phối hợp với các trường học và các tổ chức xã hội, lan tỏa thông điệp đến đông đảo thanh, thiếu niên, tạo nên sự đồng thuận và hành động cụ thể trong việc ngừng sử dụng thuốc lá.
Tiếp tục chặng đường phòng chống tác hại của thuốc lá
Theo TS-BS Hà Anh Đức, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025 là quyết sách thể hiện sự ủng hộ, sự quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân. Quyết định này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân và được Tổ chức Y tế thế giới và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Mới đây, tại cuộc họp về phòng chống tác hại của thuốc lá giữa Quỹ sáng kiến Bloomberg và các đối tác tại Việt Nam, bà Betsy Fuller, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng, quỹ Sáng kiến Bloomberg đã chúc mừng Bộ Y tế đã có Nghị quyết của Quốc hội cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.
Bà Betsy Fuller cũng cho rằng, công tác phòng chống tác hại thuốc lá vẫn còn chặng đường dài phía trước. Trước mắt là việc tăng thuế thuốc lá vào kỳ họp của Quốc hội vào tháng 5.2025. Bên cạnh đó, việc thực hiện Chiến lược phòng chống tác hại của thuốc lá của các bộ, ngành còn nhiều thách thức. Cùng với đó, Bộ Y tế cần xây dựng các công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá mới và những người sử dụng đã có sẵn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
"Quỹ Sáng kiến Bloomberg và các đối tác sẽ tiếp tục đồng hành với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam", bà Betsy Fuller chia sẻ.
Theo các ý kiến từ chuyên gia của WHO và các tổ chức quốc tế về phòng chống tác hại của thuốc lá, cùng với truyền thông về tác hại của thuốc lá mới, cần nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật đối với việc cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá mới. Đồng thời, cơ quan chức năng có các biện pháp giám sát và xử lý nghiêm các cơ sở, tổ chức vi phạm các quy định về thuốc lá mới.
Bình luận (0)