Đề xuất tạo 'ô che nắng' trên vũ trụ để giảm nhiệt độ toàn cầu

Trí Đỗ
Trí Đỗ
01/08/2024 16:51 GMT+7

Nhóm khoa học Israel đang đề xuất dự án tạo một tấm che nắng khổng lồ có khả năng chặn 2% bức xạ mặt trời và làm giảm nhiệt độ trung bình toàn cầu khoảng 1,5 độ C trong vòng 12 - 18 tháng.

Giáo sư Yoram Rozen và nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu không gian Asher thuộc Viện công nghệ Technion (miền bắc Israel) mong muốn tạo ra một tấm chắn nắng lớn có thể làm chậm quá trình nóng lên của trái đất. Dự án này có tên gọi là "Cool Earth" hay "trái đất mát mẻ".

Đề xuất tạo 'ô che nắng' trên vũ trụ để giảm nhiệt độ toàn cầu- Ảnh 1.

Hình minh họa về tấm che nắng Cool Earth đang được phát triển tại Viện Công nghệ Technion (Israel)

KÊNH YOUTUBE ASRI TECHNION

Ý tưởng này là phóng một tấm chăn lớn nặng 2,5 triệu tấn, bay xa 1,5 triệu km vào không gian, đến một khu vực cụ thể - nơi chịu tác động tối thiểu của áp suất hấp dẫn và gió mặt trời. Bóng râm sẽ di chuyển cùng trái đất khi nó quay quanh mặt trời, chủ yếu ở phía trên các khu vực xích đạo.

Tấm chăn mờ đục sẽ được làm bằng vật liệu mỏng và phản chiếu, đã được sử dụng trong các cánh buồm đẩy năng lượng mặt trời trong không gian. "Nó không giống như khi một đám mây đi giữa bạn và mặt trời. Nó giống như sự khác biệt về ánh sáng giữa trưa và 14 giờ chiều hơn. Theo dữ liệu, tác động lên sinh học và quá trình quang hợp sẽ không đáng kể", ông Rozen giải thích.

"Tấm chăn sẽ cần một bộ phận điều khiển. Một tàu vũ trụ sẽ xoay nó và quyết định nó ở đâu cũng như khi nào thì bật và tắt. Vệ tinh sẽ gửi về trái đất những bức ảnh về hướng của bóng râm ở những vị trí khác nhau tại những thời điểm khác nhau", theo ông Rozen.

Đề xuất tạo 'ô che nắng' trên vũ trụ để giảm nhiệt độ toàn cầu- Ảnh 2.

Hình minh họa về tấm che nắng Cool Earth đang được phát triển tại Viện Công nghệ Technion (Israel)

KÊNH YOUTUBE ASRI TECHNION

Nếu tấm chăn được triển khai, trái đất sẽ cần 18 tháng để giảm nhiệt 1,5 độ C. Khi đạt được mục tiêu đó, một vài phần bóng râm sẽ được giữ lại để duy trì nhiệt độ. Phần còn lại có thể được đưa về phía mặt trời. Nguyên mẫu có thể được đưa ra trong vòng 3 - 4 năm tới sau khi có nguồn ngân sách.

Tuy nhiên, hiện vấn đề chính là chi phí đắt đỏ của dự án. Theo một nghiên cứu gần đây trên tạp chí khoa học Nature, toàn bộ dự án trên ước tính trị giá 30 nghìn tỉ USD - nhiều hơn GDP của Mỹ hiện nay nhưng ít hơn con số 38 nghìn tỉ USD ước tính về thiệt hại hằng năm do hiện tượng nóng lên toàn cầu vào giữa thế kỷ này.

Ông Rozen cho biết Viện Asher đã làm việc với Trung tâm khoa học và không gian quốc gia Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Quốc gia vùng Vịnh này đã có kế hoạch trình bày dự án tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (lần thứ 28), gọi tắt là COP28 ở Dubai vào tháng 11 - 12 năm ngoái. Nhưng sau đó, UAE này đã dừng hợp tác sau khi Israel bắt đầu cuộc chiến chống lại Hamas ở Dải Gaza vào ngày 7.10.2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.