TAND tối cao đang lấy ý kiến đối với Dự thảo lần 3 luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Một trong những điểm mới, đó là cơ quan này đề xuất thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia.
Theo TAND tối cao, Hội đồng Tư pháp quốc gia được thành lập trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia hiện nay.
Về thành phần, Hội đồng Tư pháp quốc gia gồm Chánh án TAND tối cao là Chủ tịch hội đồng; 1 Phó chủ tịch chuyên trách của hội đồng; 1 Phó chủ tịch kiêm nhiệm của hội đồng (bổ nhiệm luân phiên theo nhiệm kỳ 1 năm 1 lần trong số các Phó chánh án TAND tối cao).
Ngoài ra, Hội đồng Tư pháp quốc gia còn có Chánh án Tòa án quân sự T.Ư, Chánh án TAND cấp cao; 1 đại diện lãnh đạo Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.
Hội đồng Tư pháp quốc gia có chức năng tuyển chọn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm thẩm phán, xem xét các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật thẩm phán; giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các TAND; bảo vệ thẩm phán…
TAND tối cao giải thích, việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia hướng tới mục tiêu tăng cường tính khách quan, minh bạch trong việc cấp, phân bổ kinh phí, biên chế cho các tòa án, qua đó bảo đảm độc lập trong hoạt động của thẩm phán và độc lập giữa các cấp tòa án.
Cơ quan này cũng góp phần phòng ngừa khả năng người lãnh đạo quản lý sử dụng công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật hoặc những biện pháp hành chính khác như một công cụ để tác động, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán khi xét xử.
Đây còn là bước đi cụ thể nhằm thể chế hóa nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử.
Trước đó, TAND tối cao từng đề xuất định hướng thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia do Chủ tịch nước là Chủ tịch hội đồng, Chánh án TAND tối cao là Phó chủ tịch hội đồng. Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo một số ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Chấp hành T.Ư Hội Luật gia Việt Nam, TAND tối cao, Tòa án quân sự T.Ư và các chánh án TAND cấp cao.
Nay, trong dự thảo mới nhất, TAND tối cao đã có một số thay đổi khi đề xuất thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, trong đó có thành phần cơ quan này.
Bình luận (0)