Đề xuất thanh toán cho y tế tư nhân tiêm chủng, xét nghiệm, khám chữa Covid-19

Lê Hiệp
Lê Hiệp
03/12/2021 21:27 GMT+7

Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về một số chính sách đặc thù trong phòng chống dịch, trong đó có việc thanh toán chi phí cho cơ sở y tế tư nhân tham gia tiêm chủng, khám chữa Covid-19.

Trích dự phòng Quỹ Bảo hiểm y tế chi khám chữa bệnh cho F0

Chiều 3.12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Thường trực Ủy ban Xã hội và một số cơ quan liên quan để xem xét việc ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 theo đề nghị của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tại cuộc làm việc

gia hân

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau khi xem xét tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, tờ trình của Chính phủ cũng chưa làm rõ tính cấp bách để ban hành nghị quyết.

Trong số các chính sách đề xuất, một số chính sách nhằm giải quyết những vướng mắc, tồn tại trước đây, một số chính sách được trình để thực hiện lâu dài và dự kiến sẽ được bổ sung, điều chỉnh khi sửa đổi luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, về thanh toán chi phí tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19, theo bà Thúy Anh, tờ trình của Chính phủ cho biết, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 còn gặp khó khăn trong việc bóc tách chi phí để thanh toán theo các nguồn.

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ làm rõ các loại hình cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 và xác định cụ thể việc bảo đảm kinh phí vận hành, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với từng hình thức cơ sở để làm cơ sở cho việc thanh toán các chi phí từ nguồn ngân sách nhà nước một cách rõ ràng, tránh chi trùng.

Người mắc Covid-19 sẽ được phát thuốc kháng vi rút

Về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19, bà Thúy Anh cho hay, Thường trực Ủy ban thống nhất với tờ trình của Chính phủ về việc thực hiện thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và mức giá mua vào theo kết quả đấu thầu.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban thấy rằng, việc trích quỹ dự phòng của Quỹ Bảo hiểm y tế để chi cho hoạt động khám, chữa bệnh Covid-19 là khác với quy định (số dư quỹ lũy kế của quỹ dự phòng Bảo hiểm y tế ước năm 2020 là 25.745 tỉ đồng - phóng viên).

Cuộc làm việc diễn ra vào chiều muộn 3.12

gia hân

Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ tổng kết các chi phí khám chữa bệnh Covid-19 thời gian qua, làm rõ mức trích từ Quỹ Bảo hiểm y tế để bảo đảm an toàn quỹ cũng như đảm bảo tính minh bạch, khả thi.

Bà Thúy Anh cũng cho biết, Thường trực Ủy ban này cơ bản nhất trí việc cần có giải pháp thanh toán các chi phí trong tiêm chủng, xét nghiệm, khám chữa bệnh khi huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cũng đề nghị cần làm rõ “mức giá cao nhất” áp dụng tại cơ sở y tế tư nhân là giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hay giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Kỹ lưỡng, minh bạch, đúng thẩm quyền

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghị quyết cần tập trung vào cơ chế chính sách khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định.

Tuy nhiên, ông Huệ lưu ý, nếu các chính sách Chính phủ đề xuất không thuộc phạm vi ủy quyền tại Nghị quyết 30 của Quốc hội (về các biện pháp đặc biệt phòng chống dịch - phóng viên), thì không thể đưa vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

gia hân

Dẫn ví dụ chính sách về khám chữa bệnh từ xa mà Chính phủ đề xuất, ông Huệ cho rằng chỉ áp dụng trong phạm vi khám, chữa bệnh Covid-19 và xác định rõ chủ thể được khám, chữa bệnh từ xa, quy trình khám, chữa bệnh từ xa như thế nào, trách nhiệm ra sao?

Về bình ổn giá trang thiết bị y tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉ nên đưa vào danh mục những loại thực sự cấp bách, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, đã rõ, nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao.

Đối với chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ cần bảo đảm tốt nhất chế độ, chính sách để bù đắp phần nào những đóng góp, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, lực lượng y tế và các lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch.

Với một số cơ chế, chính sách khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị khi trao quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế thì đồng thời phải quy định về trách nhiệm thực hiện.

Từ đó, ông Huệ yêu cầu Chính phủ cần rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách đề xuất trong dự thảo nghị quyết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện tờ trình, báo cáo thẩm tra, lấy ý kiến, đánh giá tác động của các chính sách để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Các chính sách phải được đánh giá tác động hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả để sau này Quốc hội còn giám sát", ông Huệ nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 17.11, Chính phủ có tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, dự thảo nghị quyết có 6 chính sách lớn quy định về: nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19; thanh toán chi phí tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19; khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thuốc, nguyên liệu làm thuốc; bình ổn giá trang thiết bị y tế; chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.