Không sợ tăng trần nợ công
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tại họp báo |
Ngọc thắng |
Chiều 2.12, Ban Kinh tế T.Ư, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức họp báo về Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021.
Thông tin về nội dung diễn đàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, diễn đàn sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội (đối tượng, phạm vi, quy mô…).
Thông tin thêm về gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12, đầu tháng 1 tới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tới hiện tại, Chính phủ vẫn chưa trình nội dung này sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiến hành thẩm tra.
Tuy nhiên, ông Thanh cho hay, diễn đàn cũng sẽ là nơi các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp ý kiến trong việc thực hiện gói hỗ trợ này như thế nào để đáp ứng nhu cầu phục hồi phát triển kinh tế.
Theo ông Thanh, nhiều ý kiến cho rằng, gói hỗ trợ có thể sẽ ảnh hưởng tới nợ công, bội chi, tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt hiện nay thì cần có chính sách đặc biệt.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trả lời báo chí tại họp báo |
ngọc thắng |
"Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng trần nợ công, bội chi là cần thiết", ông Thanh cho hay, và dẫn chứng theo tính toán của chuyên gia, tăng 1% GDP bội chi thì nợ công, nợ Chịnh phủ, nợ nước ngoài vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, ông Thanh nhấn mạnh, gói hỗ trợ cần phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những ngành cấp bách, cần thiết, có tác động lan tỏa và sẽ tập trung trong 2 năm 2022 - 2023.
Về nguồn cho gói hỗ trợ, ông Thanh cho hay, yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm tính khả thi và đáp ứng được mức độ hấp thụ của nền kinh tế.
"Không sợ tăng trần nợ công, các mức chi tiêu mà quan trọng là sử dụng hiệu quả các gói hỗ trợ này, đưa vào đâu, vào mục đích gì, hiệu quả của nó ra sao mới là vấn đề quan trọng", ông Thanh nói đồng thời cho biết, trong các nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu quản lý rủi ro để khi triển khai các gói hỗ trợ phải công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách, thậm chí chống tham nhũng, lợi ích nhóm.
Doanh nghiệp có làm ra doanh thu đâu mà giảm thuế
Chia sẻ thêm về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng cần phải phải xác định ưu tiên trong chính sách hỗ trợ.
Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
ngọc thắng |
Theo ông Tuấn, cần phải tập trung gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp khỏe và tạo ra sức lan tỏa.
"Nếu không hỗ trợ đủ mạnh thì doanh nghiệp khỏe cũng rơi vào khó khăn và rời khỏi thị trường. Hiện nay, mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rời thị trường. Chúng ta phải làm sao hỗ trợ lục lượng chủ công này", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn phân tích, chỉ giảm thuế là không đủ. "Doanh nghiệp có làm ra doanh thu đâu mà giảm thuế", ông Tuấn nói và cho rằng, cần phải hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi được sản xuất kinh doanh, lúc đó mới có thuế để đóng.
Từ đó, ông Tuấn cho rằng, các chính sách hỗ trợ phải tập trung vào hỗ trợ "những đầu vào quan trọng" của doanh nghiệp như tiếp cận tín dụng, tiếp cận lao động, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi hay hay hỗ trợ chuyển đổi số...
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, gói hỗ trợ cần tập trung vào việc hỗ trợ người lao động.
"Phải đảm bảo lao động quay trở lại thì có điều kiện ăn ở, và các điều kiện khác", ông Tuấn nói và cho rằng, hỗ trợ lao động cũng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi nguồn lao động bị đứt gãy do tác động của dịch Covid-19.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, dự báo năm nay tăng trưởng của Việt Nam chỉ đạt mức 2-2,5%, trong khi thế giới khoảng trên 5%.
Để đuổi kịp thế giới, tránh nguy cơ lỗi nhịp, ông Tuấn cho rằng, cần rà soát động lực của tăng trưởng nhanh, trong đó khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những động lực quan trọng.
"Gói hỗ trợ phải chú ý tính hiệu quả và tác dụng ngay. Rót hỗ trợ mà 5 - 7 năm nữa mới có tác dụng thì quá lâu", ông Tuấn kiến nghị.
Khai trương website Diễn đàn Kinh tế Việt Nam
Tại họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã thông báo về việc khai trương website chính thức của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với tên miền là: diendankinhte.quochoi.vn.
Ông Cường cho biết, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ trở thành diễn đàn thường niên và website sẽ giúp các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước cũng như các cá nhân có nhu cầu khai thác, tìm hiểu thông tin, tài liệu tham khảo đa dạng và phong phú liên quan đến diễn đàn Kinh tế Việt Nam.
Bình luận (0)