Đề xuất thêm phương án xử lý tài sản bất minh của quan chức

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/08/2018 07:20 GMT+7

Để xử lý tài sản bất minh của quan chức, UB Tư pháp và cơ quan soạn thảo đề xuất thêm một phương án mới so với 2 phương án đã trình trước đây.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các cơ quan hữu quan vẫn chưa thống nhất được phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc của quan chức trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi dù đây đã là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về vấn đề này.
Đưa ra tòa
Tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 10.8 đã thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Báo cáo tại phiên họp, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UB Tư pháp QH, cho biết hiện dự luật PCTN chỉ còn nội dung về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (điều 57 dự thảo luật) vẫn còn ý kiến khác nhau. Sau khi tổ chức họp với các cơ quan hữu quan, UB Tư pháp và cơ quan soạn thảo đề xuất thêm một phương án mới so với 2 phương án đã trình trước đây (xử phạt hành chính và thu thuế - PV) là thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản.
Về tố tụng dân sự, đối với trường hợp người kê khai đồng ý bằng văn bản với kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có đơn yêu cầu và tòa án tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự theo quy định tại bộ luật Tố tụng dân sự. Trường hợp người kê khai không đồng ý với kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện và tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự.
Theo bà Nga, ưu điểm của phương án này là thể hiện được thái độ mạnh mẽ của nhà nước, giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của luật PCTN hiện hành, đồng thời đây cũng là cách xử lý được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Bà Nga cũng cho biết, sau khi cân nhắc, UB Tư pháp và cơ quan soạn thảo quyết định bỏ phương án xử phạt hành chính vì có nhiều yếu tố bất hợp lý và chỉ đưa ra 2 phương án là thu thuế và tố tụng dân sự để UBTVQH báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến.
Cơ quan tham mưu có dám kiện lãnh đạo ra tòa?
Tuy nhiên, về phương án mới, ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, đặt vấn đề: “Hiện nay, cơ quan kiểm soát tài sản là thanh tra và tổ chức cán bộ, đây chỉ là những cơ quan tham mưu cho lãnh đạo, liệu họ có dám kết luận kê khai của thủ trưởng, lãnh đạo là không hợp lý để khởi kiện không?”. Còn theo ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, không nên coi đây là một vụ án dân sự mà phải coi đây là một biện pháp mang tính hành chính tư pháp. Sau khi cơ quan kiểm soát tài sản kết luận thì chuyển ra tòa và người có tài sản có thể chứng minh tính hợp lý của tài sản tại tòa và khi tòa tuyên thì đó là quyết định cuối cùng. “Nếu theo quy trình một vụ án dân sự thì phải có kháng cáo, phúc thẩm, giám đốc thẩm rồi tái thẩm và nếu một cơ quan kiểm soát tài sản mà 1 năm có 10 vụ như vậy thì không có thời gian làm việc khác”, ông Dũng nêu.
Ông Nguyễn Văn Du, Phó chánh án TAND tối cao, thì cho rằng sự phán quyết của tòa án trong xử lý tài sản không rõ nguồn gốc là cần thiết để đảm bảo tính công minh. Ông Du đề nghị UBTVQH có một pháp lệnh riêng về trình tự thủ tục tiến hành các vụ án này.
Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định qua quá trình thảo luận từ trước tới nay thì UBTVQH “gút” lại 2 phương án là giải quyết bằng tố tụng dân sự và thu thuế. Các cơ quan hữu quan sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất sau đó báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến về phương án xử lý.

Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm rằng nếu là thu nhập cá nhân thì không phân biệt hợp pháp hay không hợp pháp đều phải nộp thuế theo luật thuế chứ không cần quy định vào luật này. Nếu trốn thuế thì sẽ bị xử phạt, nặng thì có thể xử lý hình sự. Còn việc kê khai không trung thực thì luật PCTN hiện hành đã quy định hình thức xử lý hành chính là cảnh cáo, khiển trách, cách chức… Do đó, mấu chốt là phải làm tốt công cụ thuế, kiểm soát thu nhập, tài sản thông qua thanh toán không dùng tiền mặt chứ không cần sửa luật.
Sáng 10.8, báo cáo về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của luật Công an nhân dân sửa đổi, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng của giám đốc công an tỉnh, TP. Một số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo luật, quy định cấp hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an các tỉnh, TP thuộc đơn vị hành chính loại 1. Trong khi đó, có ý kiến đề nghị tất cả giám đốc công an tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng, và một số ý kiến đề nghị mức hàm đại tá.
Sau khi phân tích, thường trực UB Quốc phòng - An ninh cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo luật, nhưng nội dung này các đại biểu QH còn có ý kiến khác nhau nên đề nghị UBTVQH báo cáo Đảng đoàn QH trình Bộ Chính trị xem xét. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: theo kết luận cũ của Bộ Chính trị, chỉ có giám đốc Công an TP.Hà Nội và TP.HCM được cấp tướng. Giờ mở rộng thì phải xin ý kiến Bộ Chính trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.