Đề xuất thêm tuyến đường thu phí dừng đỗ ô tô ở TP.HCM

Trung Hiếu
Trung Hiếu
15/03/2018 15:20 GMT+7

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay sau khi đề án tăng thu phí dừng đỗ ô tô được thông qua, nếu quản lý được, Sở GTVT sẽ nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm tuyến đường thu phí dừng đỗ ô tô.

Sáng 15.3, kỳ họp thứ 7 (kỳ họp bất thường) của HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra tại Hội trường Thành ủy TP.HCM.
Trong phần thảo luận tổ, một số đại biểu nêu câu hỏi liên quan đến đề án tăng thu phí tạm dừng, đỗ ô tô đang được người dân quan tâm.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết trên thực tế các tuyến đường (42 tuyến) mà đề án đề xuất thu phí thì trước đây đã thu phí rồi nhưng mức phí rất thấp, chỉ 5.000 đồng/lượt và không tính thời gian. Mức phí này đã lạc hậu và cần có sự sửa đổi.
Sau khi rà soát, Sở GTVT đã đề xuất 35 tuyến cần tăng thu phí dừng đỗ ô tô. Hiện đang có 3 tuyến đường ở Q.1 thực hiện thí điểm thu phí tự động (My Parking) là ở đường Lê Lai, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Lần này nếu đề án được thông qua thì toàn bộ các tuyến đường sẽ ứng dụng công nghệ My Parking và việc sử dụng công nghệ này sẽ thông qua đấu thầu.
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường Ảnh: Ngọc Dương

Về câu hỏi có thể tăng thêm các tuyến đường thu phí dừng đỗ ô tô hay không, ông Cường cho biết hiện khu vực trung tâm có rất nhiều tuyến đường cho phép đậu xe không thu phí: Q.1 có 42/134 tuyến đường, Q.3 có 11/50 tuyến đường, Q.5 có 43/105 tuyến đường.

“Sau khi đề án được thông qua, nếu quản lý được sẽ tiếp tục đề xuất đưa thêm tuyến đường vào quản lý thu phí theo công nghệ My Parking để vừa kiểm soát nhu cầu giao thông và tăng thêm nguồn thu chi cho giao thông”, ông Cường nói.

Ông Cường cho biết thêm hiện Sở GTVT đang cập nhật, liên thông công bố thông tin các tuyến đường, các bãi đỗ xe, các hầm của tòa nhà, cao ốc và toàn bộ thông tin sẽ cập nhật trên ứng dụng để cho người dân biết.

Giảm 2% biên chế công chức

Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đọc các tờ trình của UBND TP.HCM thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Các tờ trình về chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở ban ngành, các khu công nghệ cao; tờ trình về đề án thực hiện và sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương; chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; tờ trình tăng phí dừng đỗ ô tô dưới lòng đường; tờ trình về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và tờ trình về chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân (giữa) tham dự kì họp HĐND TP.HCM Ảnh: Ngọc Dương

Đáng chú ý, trong tờ trình kế hoạch biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính và tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp của TP.HCM, ông Tuyến cho biết tổng biên chế của TP.HCM năm 2018 là hơn 130.000 người, giảm hơn 5.600 biên chế so với năm 2017.

Ông Tuyến cho biết do đặc thù công việc và số lượng công việc nhiều nên TP.HCM chưa thể giảm biên chế ngay. Do đó trong năm 2018, UBND TP.HCM đề xuất giảm 2% biên chế hành chính, tương đương với 252 biên chế, sau đó sẽ có lộ trình giảm dần theo đúng biên chế T.Ư giao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.