Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Bộ Công an đề xuất thống nhất công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, tổ trưởng và tổ phó dân phòng thành một lực lượng có tên gọi là "lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở".
Báo Thanh Niên có cuộc trao đổi với PGS - TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế (Trường ĐH Luật Hà Nội), về một số nội dung được Bộ Công an đưa ra tại dự thảo.
"Cánh tay nối dài" của công an cấp xã"
* Hiện nay, Bộ Công an đã thực hiện bố trí công an xã chính quy tại 100% địa bàn trên cả nước. Theo ông, việc kiện toàn thêm lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở có thực sự cần thiết?
PGS - TS Nguyễn Quang Tuyến: Tôi cho rằng điều này là rất cần. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập, ngoài những mặt tích cực thì nhiều vấn đề phát sinh cần được giải quyết.
Đó là sự chống đối từ những phần tử bất mãn, rồi một bộ phận cán bộ công chức của ta bị suy thoái, có những hành vi tiêu cực, gây nên bức xúc trong dư luận. Điển hình như lĩnh vực thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quản lý trật tự xã hội…
Thực tế cho thấy, tội phạm ngày càng manh động, có tổ chức, kế hoạch bài bản, thậm chí trang bị cả vũ khí "nóng". Một số vụ việc xuất phát điểm là tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo nhưng sau đó chuyển thành chống trả với tính chất phức tạp. Ví dụ, vụ việc tại Đồng Tâm (Hà Nội) hoặc Cư Kuin (Đắk Lắk).
Trong khi đó, ở một số nơi, lực lượng bảo vệ ANTT còn lúng túng, bị động, chưa xử lý dứt điểm những nguy cơ tại chỗ. Một phần nguyên nhân do lực lượng còn chưa chuyên nghiệp, bài bản.
Yêu cầu đặt ra là phải tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở. Mà để làm được điều này, cần có hành lang pháp lý vững chắc, "xương sống" là việc xây dựng luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Liệu có sự chồng chéo giữa công an xã chính quy và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, thưa ông?
Theo nội dung dự thảo luật do Bộ Công an xây dựng, vị trí, quyền hạn của 2 lực lượng này hoàn toàn khác nhau. Trong đó, công an cấp xã trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ ANTT, còn lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đóng vai trò hỗ trợ.
Như đã đề cập, tình hình ANTT ở cơ sở hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nếu đặt hết lên vai lực lượng công an chính quy thì vô cùng nặng nề. Với số lượng biên chế có hạn, khối lượng công việc dường như là không xuể, không thể hết được.
Lúc này, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính là "cánh tay nối dài" giúp công an cấp xã nắm bắt nhanh nhất, chính xác nhất, kịp thời nhất những mâu thuẫn, bất thường phát sinh tại cơ sở, để có biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa.
Cũng nên có cách nhìn tổng thể. Với thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, lực lượng công an được bố trí đầy đủ về quân số, bài bản về trang thiết bị; nếu xảy ra tình huống bất ngờ có thể huy động rất nhanh.
Ngược lại, với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, số lượng cán bộ mỏng; trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, dễ bị kẻ xấu lôi kéo, kích động; chưa kể đường sá đi lại khó khăn, địa hình cách trở; nếu đợi lực lượng chính quy tới chi viện sẽ mất rất nhiều thời gian. Biện pháp tốt nhất là xử lý triệt để ngay tại chỗ, thông qua việc kiện toàn, tăng cường lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Cần sàng lọc, "có thể ít nhưng phải tinh"
Như đề xuất của Bộ Công an, nhiệm vụ và kỳ vọng đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là rất lớn. Nghĩa là, việc kiện toàn không chỉ dừng lại thống nhất 3 lực lượng về mặt cơ học mà cần phải thay đổi cả về chất lượng. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?
Đúng thế. Ngay từ đầu tôi đã nói rằng ANTT cơ sở trong bối cảnh hiện nay tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đòi hỏi phải nắm bắt và ngăn chặn từ sớm, từ xa. Trong đó, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở giữ vai trò rất quan trọng.
Để làm tốt, chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Cần thẳng thắn nhìn nhận đâu đó vẫn còn cán bộ dân phòng, bảo vệ dân phố chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân, biểu hiện là thái độ không đúng mực, năng lực trình độ hạn chế, có trường hợp vượt quá thẩm quyền, nhiệm vụ được giao.
Tới đây, song song với việc kiện toàn và thống nhất, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tính toán giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng này. Một trong những phương án khả thi, đó là sàng lọc. Những người có đủ năng lực, trình độ, sức khỏe, nhiệt tâm cống hiến thì giữ lại; ai không đủ điều kiện thì khuyến khích, thậm chí kiên quyết cho nghỉ. Phương châm là "có thể ít nhưng phải tinh".
Lâu nay có nhiều tâm tư về chế độ hỗ trợ cho lực lượng công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng còn thấp quá. Theo ông, nếu kiện toàn các lực lượng, cần làm gì để cải thiện điều này, vừa thu hút người dân tham gia, nhưng vẫn đảm bảo ngân sách không bị "phình"?
Cá nhân tôi rất ủng hộ việc nâng mức hỗ trợ đối với lực lượng, để họ có thể ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Nhưng có 2 vấn đề cần xem xét thấu đáo.
Thứ nhất là sự tương xứng từ hiệu quả công việc và cống hiến mang lại cho xã hội. Anh phải làm tốt, làm hết mình để xứng đáng với đãi ngộ được hưởng; tránh tình trạng làm nửa vời nhưng hàng tháng vẫn nhận trợ cấp đều đều.
Thứ hai là tính khả thi. Nhà nước đương nhiên muốn hỗ trợ thật cao, thật sớm, nhưng phải căn cứ vào điều kiện thực tế. Với nguồn lực hiện nay, việc này cần có lộ trình.
Trước mắt, giải pháp sàng lọc để giữ lại những người đủ điều kiện sẽ giúp sự hỗ trợ tập trung và hiệu quả hơn, thay vì dàn trải, chạy theo số lượng. Về lâu dài, khi nguồn lực dồi dào, kinh tế - xã hội phát triển mạnh, chế độ hỗ trợ theo đó mà tốt hơn.
Riêng với địa bàn phức tạp về ANTT, việc tăng cường lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở cần được ưu tiên. Trường hợp ngân sách phải chi thêm (trong mức cân đối) cũng là cần thiết, đổi lại sẽ đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội của khu vực nói riêng và quốc gia nói chung.
* Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)