Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có tờ trình đề nghị bổ sung dự luật Công đoàn sửa đổi vào chương trình xây dựng luật năm 2024 của Quốc hội. Trong đó, dự luật tiếp tục quy định thu kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Lý giải về đề xuất này, tờ trình của Tổng liên đoàn Lao động cho rằng đây là cơ sở pháp lý quan trọng, bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, chăm lo tốt hơn cho người lao động.
Báo cáo đánh giá tác động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nguồn kinh phí công đoàn cơ bản dành cho phúc lợi, chăm lo, bảo vệ, đào tạo đoàn viên và người lao động (chiếm 84,14% trong tổng chi hoạt động tại 4 cấp).
Báo cáo cũng dẫn Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, nêu rõ: "duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hoá nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao".
Từ đó, Tổng liên đoàn Lao động nhấn mạnh, việc tiếp tục bảo đảm nguồn kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho hay, nhiều năm qua, việc nắm bắt và hiểu đúng cách thức thu, tỷ lệ phân chia tài chính công đoàn giữa các cấp công đoàn chưa tạo được sự lan tỏa rộng khắp, khiến cho có một số ý kiến cho rằng kinh phí 2% chỉ nhằm để phục vụ cho công đoàn cấp trên cơ sở trở lên, hoặc để "trả lương", "nuôi" bộ máy tổ chức công đoàn. Có người hoài nghi về mục đích sử dụng nguồn kinh phí này.
Trước đó, nhiều hiệp hội doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp có ý kiến đề xuất giảm mức thu kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%.
Phân chia theo tỷ lệ 75/25
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất bổ sung phân phối khoản thu 2% nói trên theo tỷ lệ 75/25. Theo đó, công đoàn cấp trên cơ sở được sử dụng 25% tổng số thu kinh phí công đoàn. Công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được sử dụng 75%.
Do tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là loại hình tổ chức mới được quy định, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất cách thức phân chia số kinh phí 75% để lại cho cơ sở.
Cụ thể, trường hợp chỉ có tổ chức công đoàn thì toàn bộ kinh phí 75% được phân phối cho công đoàn cơ sở.
Trường hợp chỉ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công được. Phần còn lại sẽ do công đoàn cấp trên cơ sở sử dụng.
Với trường hợp có cả công đoàn cơ sở lẫn tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì công đoàn cơ sở được phân phối số kinh phí công đoàn nêu trên sau khi trừ đi số kinh phí cho tổ chức của người lao động (tính theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn).
Trường hợp chưa có công đoàn cơ sở lẫn tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì công đoàn cấp trên trực tiếp tạm giữ toàn bộ số kinh phí 75% để thực hiện việc chi cho người lao động. Số tiền này sẽ được hoàn trả khi các tổ chức được thành lập.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất bổ sung quy định miễn, giảm kinh phí công đoàn khi doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh và có 50% số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc trong tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên.
Nếu được Quốc hội đưa vào chương trình, luật Công đoàn sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2024), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (10.2024).
Bình luận (0)