Sáng 6.6, nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) đặt vấn đề trong những năm qua, đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động mất việc làm nên họ chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống. Tình trạng này không những tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
"Liệu có nên đề nghị T.Ư lập quỹ hỗ trợ người lao động như hỗ trợ lao động trong đại dịch và xem xét bổ sung quỹ quốc gia việc làm với địa phương. Quan điểm của bộ trưởng về vấn đề trên?", đại biểu Tráng A Dương chất vấn.
Hồi đáp đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói thời gian qua tình hình rút bảo hiểm một lần có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 tình hình gia tăng nhiều hơn, nhất là cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Dung cho rằng cần phải tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể. Ghi nhận ý kiến đại biểu, ông Dung nhìn nhận việc lập quỹ hỗ trợ người lao động cũng chỉ là một trong những giải pháp. Để giảm và không còn tình trạng rút bảo hiểm một lần đòi hỏi nhiều giải pháp, nhất là tạo công ăn việc làm, thu nhập, giúp đời sống người lao động tốt hơn.
"Việc lập quỹ hỗ trợ người lao động cũng là một giải pháp, chúng tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo vấn đề này", ông Dung nói và cho biết khi lập quỹ cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về căn cứ, tính hiệu quả, đồng báo cáo cấp có thẩm quyền, thậm chí Quốc hội phải cho phép.
Ba hướng giải quyết vụ việc hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh bị thu BHXH trái luật
Liên quan tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, báo cáo gửi tới Quốc hội của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, trong năm 2022, số người giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 997.470 người. Số này tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong giai đoạn 2016 - 2022, cơ quan bảo hiểm xã hội tại các tỉnh, thành phố đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong đó, số người quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội là 1,24 triệu người, chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chủ yếu là do đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều nên khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn.
Hầu hết lao động trẻ chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
Cạnh đó là tình trạng sản xuất, kinh doanh khó khăn, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động.
"Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần", Bộ trưởng Dung nêu trong báo cáo.
Bình luận (0)