Đề xuất xây hồ chứa 200 ha, dời điểm khai thác nguồn nước sạch cho TP.HCM

04/04/2024 15:56 GMT+7

Sở Xây dựng TP.HCM vừa gửi UBND TP kế hoạch thực hiện chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm giai đoạn 2021 - 2025.

Đề xuất xây hồ chứa 200 ha, dời điểm khai thác nguồn nước sạch cho TP.HCM- Ảnh 1.

Trong khi tình hình xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp, tình trạng ô nhiễm tại một số đoạn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai cũng bắt đầu tái diễn

NHẬT THỊNH

Theo đó, Sở Xây dựng đề xuất dời điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu so với điểm khai thác hiện tại Hòa Phú. Vị trí mới cách trạm bơm Hòa Phú hiện hữu khoảng 15 - 20 km, cách ngã ba sông Thị Tính - sông Sài Gòn khoảng 10 - 15 km về thượng lưu. Điều này hạn chế tối đa các ảnh hưởng ô nhiễm nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ vào sông Thị Tính. 

Đồng thời, khảo sát và xây dựng cụm hồ chứa nước thô số 1, với các hạng mục chính gồm: công trình thu nước sông Sài Gòn, công suất 1 triệu m3/ngày đêm, chia làm 2 giai đoạn, công suất mỗi giai đoạn 500.000 m3/ngày đêm; kênh (hoặc ống) dẫn nước về cụm hồ chứa; trạm bơm nước thô, công suất 1 triệu m3/ngày đêm; tuyến ống truyền tải nước thô về hệ thống Hòa Phú - Tân Hiệp, dài khoảng 15 - 20 km. Đặc biệt, đề xuất làm cụm hồ chứa tổng dung tích 10 triệu m3/ngày đêm trên diện tích đất khoảng 200 ha.

Trước đó, báo cáo cuối kỳ Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 cũng đề cập trong giai đoạn 2020 - 2030, TP.HCM cần thiết phải xây dựng cụm hồ chứa nước thô số 1 này.

Cụ thể, liên danh tư vấn đề xuất xây cụm hồ chứa nước thô số 1 nằm tại 2 xã Tân Thạnh Tây và Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Khu vực bảo vệ của hồ chứa được trồng cây xanh xung quanh với khoảng cách 300m, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ điểm lấy nước quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

Ngoài ra, Sở Xây dựng kiến nghị Công ty CP đầu tư và kinh doanh nước sạch Sài Gòn, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) ưu tiên mở rộng nâng công suất trước tại các nhà máy nước thuộc sở hữu nhà máy nước tại Thủ Đức, Tân Hiệp, sau đó mới đến các nhà máy thuộc sở hữu tư nhân. 

Song song, cần cải tạo cấu trúc mạng lưới chuyển tải và phân phối thông qua việc xây dựng hệ thống cấp nước có khả năng dự trữ nước sạch, để dự phòng cấp nước trong trường hợp sự cố; hệ thống cấp nước có khả năng khử trùng bổ sung, hạn chế tối đa việc tái ô nhiễm đường ống...

Đề xuất xây hồ chứa 200 ha, dời điểm khai thác nguồn nước sạch cho TP.HCM- Ảnh 2.

Báo cáo cuối kỳ Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 đề xuất vị trí xây cụm hồ chứa nước thô số 1

TP.HCM cũng như nhiều thành phố khác, đang phải đối mặt với rủi ro khủng hoảng nước sạch. Sở TN-MT TP.HCM xác nhận chất lượng nguồn nước thô hiện nay đang có xu hướng bị ô nhiễm. Bởi hệ thống cấp nước của thành phố được lấy từ 2 nguồn chính là sông Sài Gòn (tại xã Hòa Phú, H.Củ Chi - chiếm khoảng 25% tổng công suất - và tại kênh N47 thuộc nhánh nhỏ của kênh Đông lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng - chiếm khoảng 8,5% tổng công suất) và sông Đồng Nai tại chân cầu Hóa An, tỉnh Đồng Nai (chiếm khoảng 60,5% tổng công suất).

Hai dòng sông này đều là hạ nguồn của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và được điều tiết bởi 2 hồ chứa phía thượng nguồn. Đây cũng là vùng kinh tế trọng điểm của khu vực phía nam. Ước tính, phía thượng nguồn sông Sài Gòn, Đồng Nai có tới gần 50 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp xả thẳng nước thải ra sông nên nguy cơ gây ô nhiễm rất cao.

Chưa kể, giải pháp khai thác nước thô hiện nay đang gặp bất lợi do phụ thuộc vào việc kiểm soát chất lượng nước thải của các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Ngoài ra, chất lượng nước tại nhà máy sau khi xử lý đạt quy chuẩn nước dùng cho ăn uống trực tiếp nhưng khi đến với người sử dụng qua hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước, một số chỉ tiêu chất lượng nước lại chưa đảm bảo như hàm lượng chất khử trùng chlorine...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.