Sáng 11.6, tại phiên họp 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan này đề nghị bổ sung quy định xe ô tô chở học sinh, trẻ mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.
"Quy định này để ngăn việc bỏ quên học sinh, trẻ mầm non như vụ việc trẻ tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Thái Bình vừa qua", ông Tới nói.
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu sau đó đều ủng hộ việc bổ sung quy định nói trên vào dự thảo luật.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao nội dung này, đồng thời nhấn mạnh cần tăng cường tuyên truyền, triển khai để không xảy ra tình trạng để bỏ quên học sinh, trẻ mầm non trên xe đưa đón.
“Cần rà soát rộng rãi các xe chở học sinh, xe nào không đảm bảo tiêu chuẩn thì loại hết. Có lẽ nên dán nhãn xe đưa đón đủ tiêu chuẩn để tránh lợi dụng”, ông Nguyễn Khắc Định nói.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho rằng việc bổ sung nội dung như dự thảo góp phần quy định cụ thể, chặt chẽ với xe đưa đón học sinh.
Dù vậy, đề cập quy định trường hợp chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi “theo quy định”, ông Bùi Văn Cường đề nghị nói rõ theo quy định nào, cơ quan nào có thẩm quyền ban hành quy định, tránh “theo quy định” mà chung chung không rõ ở đâu.
Tổng thư ký Quốc hội cũng lưu ý, theo luật Đường bộ có 2 trường hợp xe đưa đón học sinh là của cơ sở giáo dục và của cơ sở kinh doanh vận tải. Do đó, ông đề nghị không chỉ quy định trách nhiệm cơ sở giáo dục mà còn có cơ sở kinh doanh vận tải, như thế chặt chẽ hơn.
Cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất của cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc bổ sung quy định góp phần khắc phục những bất cập vừa qua và tiệm cận với kinh nghiệm quốc tế.
Dẫn ví dụ thế giới có quy định lái xe chở trẻ em trước khi xuống xe, đóng cửa thì bắt buộc phải đi xuống cuối xe kiểm tra, nếu không đi là chuông báo kêu, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng đó cũng là kinh nghiệm tốt.
Dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tại điều 46 quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Trường hợp xe chở học sinh tiểu học hoặc trẻ em mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.
Dự thảo luật cũng quy định, khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Người lái xe, người quản lý có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.
Lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Dự thảo luật cũng quy định cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.
Ngoài ra, theo dự thảo luật, xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.
Bình luận (0)