Bộ Công an đang chủ trì xây dựng dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Luật này được tách một phần từ luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Theo dự thảo, xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải kiểm định về khí thải; việc kiểm định được thực hiện tại các trạm kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.
Đề xuất trên được đánh giá là hoàn toàn mới so với quy định hiện hành, khi việc kiểm định khí thải chỉ áp dụng với ô tô. Nếu được thông qua, chính sách này sẽ có phạm vi tác động rất lớn, bởi đối tượng chịu điều chỉnh là hàng chục triệu xe máy tại Việt Nam.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Được biết, đề xuất kiểm định khí thải đối với xe máy từng được Bộ GTVT đưa ra trong dự thảo luật Đường bộ (cũng tách một phần từ luật Giao thông đường bộ năm 2008) do cơ quan này chủ trì soạn thảo.
Đến nay, sau khi Bộ Công an và Bộ GTVT có sự thống nhất, nội dung trên được chuyển về dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Giải thích về chủ trương kiểm định khí thải xe máy, Bộ GTVT dẫn báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 cho thấy phát thải khí thải từ xe cơ giới là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đô thị. Trong đó, xe mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.
Tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 68 triệu xe mô tô, xe gắn máy; riêng tại Hà Nội có khoảng 6 triệu xe, trong đó gần 3 triệu xe cũ sản xuất trước năm 2000.
Bộ GTVT nhận định quy định hiện hành chỉ áp dụng kiểm soát nguồn khí thải đối với ô tô và xe máy mới, còn xe máy đang sử dụng thì không. Điều này nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến môi trường sống ngày càng bị ảnh hưởng.
Theo tính toán, việc kiểm định khí thải đối với xe máy sẽ khiến chủ xe phải bỏ chi phí bảo dưỡng định kỳ cho xe. Ngược lại, chủ xe sẽ giảm chi phí sửa chữa, giảm chi phí nhiên liệu, tăng tuổi thọ xe…; tính ra còn tiết kiệm hơn nếu không thực hiện kiểm định.
Bộ này cũng kỳ vọng chính sách mới giúp các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện tham gia giao thông có cơ hội đầu tư, phát triển ngành công nghiệp xanh với các phương tiện giao thông có tiêu chuẩn khí thải cao.
Cần chọn lọc nếu thực hiện
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia giao thông bày tỏ sự đồng tình với đề xuất kiểm định khí thải của xe mô tô, xe gắn máy, nhưng cho rằng cần có lộ trình và chọn lọc khi thực hiện.
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, đề nghị có bộ tiêu chí nhằm xác định xe nào phải kiểm định, xe nào không. Bởi lẽ, với số lượng xe máy cực lớn như hiện nay, việc triển khai kiểm định đồng loạt là khó khả thi, tốn kém. "Sẽ không có hệ thống trạm kiểm định nào có thể đáp ứng cùng lúc kiểm tra mấy chục triệu xe như vậy được", ông nói.
Ông Thủy gợi mở, cơ quan chức năng chỉ nên kiểm định khí thải đối với những xe máy cũ nát, có thời gian sử dụng đã lâu, nhả khói đen (xây dựng tiêu chí cụ thể). Việc kiểm định có thể triển khai thí điểm trước để đánh giá thực tiễn, sau đó mới tính toán nhân rộng.
Cơ quan chức năng cũng có thể cân nhắc áp dụng quy định theo đặc thù của từng địa phương; ví dụ, tập trung vào các thành phố có mật độ dân cư cao, thường xuyên ùn tắc, kẹt xe… (tính toán quy mô dân số cụ thể), thay vì áp dụng trên cả nước.
Vị chuyên gia còn cho rằng, xe máy là phương tiện đi lại và mưu sinh của hàng chục triệu người lao động. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có sự nghiên cứu, đánh giá tác động, hỗ trợ người dân sao cho phù hợp, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của họ.
Tuy không phản đối, nhưng chị Hà Bích Phượng (trú Hà Nội) băn khoăn về quy trình, chi phí khi thực hiện kiểm định khí thải đối với xe máy. "Tôi chưa rõ chu kỳ kiểm định là bao lâu, quy trình có đơn giản hay lại gây phiền hà, việc xây dựng và bố trí các trạm kiểm định như thế nào, liệu có xảy ra cảnh ùn tắc, quá tải khi kiểm định như thời gian qua hay không…?", chị Phượng đặt vấn đề.
Xem nhanh 12h ngày 11.10: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)