Đề xuất trên được Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu ra tại phiên họp sáng nay (20.2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Trước đó, trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết có ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324).
Theo quan điểm của Ủy ban Tư pháp, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hai tội danh trên đã được Quốc hội khóa 13 cân nhắc và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi quyết định. Cụ thể, hai tội danh này đã không được đưa vào bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Tuy nhiên, bà Nga cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 2 tội danh này thì có thể dẫn đến gây bất lợi cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.
Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ có quan điểm chính thức về vấn đề này trước khi UBTVQH cho ý kiến. Cũng theo bà Nga, ngày 18.1.2017, Ủy ban Tư pháp đã có Công văn số 407/UBTP14 gửi Thủ tướng về vấn đề này.
Đồng tình với việc cần bổ sung 2 tội danh này, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, hiện nay các hoạt động của định chế tài chính vượt khuôn khổ quốc gia. Theo đó, nếu xảy ra trường hợp các ngân hàng Việt Nam bị phát hiện có liên quan đến việc chuyển tiền của các tổ chức khủng bố hoặc tham gia rửa tiền thì sẽ bị xếp hạng ngân hàng kém, thậm chí bị phạt nặng đến hàng trăm triệu USD. “Vấn đề này nằm trong nhiều khuyến cáo của quốc tế về chống rửa tiền, chống khủng bố nên đưa vào bộ luật Hình sự hai tội danh này của pháp nhân là cần thiết”, ông Bình nói.
Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề cần được xem xét một cách thận trọng
theo luật pháp của Việt Nam cũng như quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia các công ước quốc
tế, đặc biệt là các công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, công ước chống tài
trợ khủng bố... và các chuẩn mực quốc tế liên quan mà Việt Nam đã cam kết
tuân thủ.
Theo ông Tiến, hiện nay, các cơ quan phòng chống rửa tiền quốc tế xếp các quốc gia thành 3 danh sách. Thứ nhất là các quốc gia có rủi ro về phòng chống rửa tiền và gây bất ổn cho hệ
thống tài chính (hiện có 2 quốc gia). Thứ hai là các quốc gia có sự thiếu hụt
nghiêm trọng về cơ chế chống rửa tiền hoặc thực hiện không đúng cam kết. Cuối cùng là các nước có sự thiếu hụt về cơ chế phòng chống rửa tiền nhưng có các
cam kết cấp Chính phủ trong vấn đề này và phải chịu sự giám sát liên tục của các cơ quan về phòng chống rửa tiền.
Theo ông Tiến, Việt Nam đã từng bị đưa vào danh sách thứ hai và thậm chí chuẩn bị được đưa vào hạng mục cao hơn
trong danh sách này. Tuy nhiên với những nỗ lực và cam kết của Chính phủ Việt Nam nên điều này đã không xảy ra.
Ông Tiến cho hay vừa qua
Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay mặt Chính phủ có văn bản cam kết với các tổ chức quốc
tế là sẽ xây dựng cơ chế phòng chống rửa tiền trong đó có sửa đổi bộ luật Hình sự và cam kết hình sự hoá với pháp nhân trong tội danh về rửa tiền và tài trợ khủng bố.
“Chúng
ta được đưa xuống danh sách thứ ba tức là các nước thiếu hụt cơ chế phòng chống rửa tiền
nhưng đã có cam kết cấp Chính phủ. Do vậy, nếu chúng ta không xử lý thận trọng, có thể
gây bất lợi trong các hoạt động về kinh tế tài chính trên thị trường quốc tế”, ông Tiến nói.
tin liên quan
Tăng tỷ lệ khởi tố điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũngThủ tướng vừa phê duyệt chương trình thực hiện Kết luận số 05 của Ban Bí thư, trong đó, tăng 5 - 10% tỷ lệ khởi tố điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng trên tổng số vụ việc được phát hiện.
Bày tỏ chia sẻ với quan điểm của Ngân hành Nhà nước Việt Nam, ông Long cho biết, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến này và sẽ báo cáo cùng với báo cáo tổng thể của Chính phủ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lại ý kiến Bộ Chính trị về 2 việc này. “Trong báo cáo Chính phủ sẽ nêu rõ quan điểm”, ông Long cho biết.
Giải thích thêm về việc tại sao hai tội danh này không được đưa vào bộ luật Hình sự 2015, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết do các bộ luật Hình sự trước đây của Việt Nam chưa quy trách nhiệm hình sự của pháp nhân nên Chính phủ đã có cam kết với quốc tế về việc xử lý vấn đề này bằng các biện pháp khác.
Tuy nhiên, theo ông Lưu, hiện tại luật hình sự đã có quy định về trách nhiệm pháp nhân nên nếu không đưa vào luật thì Việt Nam hoàn toàn có thể bị đưa vào danh sách “đen” gây ra những hậu quả rất phức tạp.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể vấn đề này với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xin ý kiến Bộ Chính trị.
Bình luận (0)