Đề xuất xử lý chuyển hướng với trẻ em, trừ các tội về giết người, hiếp dâm, ma túy

23/10/2024 09:29 GMT+7

Nếu có đủ điều kiện, người dưới 18 tuổi phạm tội có thể được áp dụng các biện pháp xin lỗi, khiển trách, quản thúc tại gia đình… mà không nhất thiết phải phạt tù.

Sáng 23.10, tiếp tục chương trình kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên. Một trong những nội dung quan trọng của dự án luật này là quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Đề xuất xử lý chuyển hướng với trẻ em, trừ các tội về giết người, hiếp dâm, ma túy- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

ẢNH: GIA HÂN

12 biện pháp xử lý chuyển hướng

Xử lý chuyển hướng được hiểu là thủ tục thay thế thủ tục tố tụng hình sự để xử lý người chưa thành niên phạm tội bằng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa mang tính xã hội.

Đây là chính sách thể hiện sự nhân văn của Nhà nước trong xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên đề xuất 12 biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: khiển trách, xin lỗi bị hại, bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Cùng với đó là cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; hạn chế khung giờ đi lại; cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.

3 biện pháp còn lại là giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Vẫn theo dự thảo, có 3 nhóm đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Thứ nhất, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định của bộ luật Hình sự (trừ các tội danh về giết người, hiếp dâm, sản xuất trái phép chất ma túy).

Thứ hai, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội ít nghiêm trọng theo quy định của bộ luật Hình sự (trừ các tội danh về hiếp dâm, ma túy).

Thứ ba, người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Đề xuất xử lý chuyển hướng với trẻ em, trừ các tội về giết người, hiếp dâm, ma túy- Ảnh 2.

Các đại biểu tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV

ẢNH: GIA HÂN

Có nên quy định "cứng" về khắc phục thiệt hại?

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quá trình xây dựng dự án luật Tư pháp người chưa thành niên, có ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là phải có sự đồng ý của bị hại hoặc người đại diện của bị hại.

Cũng có ý kiến đề nghị quy định điều kiện "cứng" để được áp dụng mọi biện pháp xử lý chuyển hướng là người chưa thành niên đã khắc phục phần lớn hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, khác với tố tụng dân sự (quyền tự định đoạt thuộc về các đương sự), trong tố tụng hình sự, việc xử lý người phạm tội thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, khả năng giáo dục, phục hồi, Nhà nước quy định chính sách xử lý phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Việc quy định mọi biện pháp xử lý chuyển hướng chỉ được áp dụng khi có sự đồng ý của bị hại là không phù hợp với quan hệ pháp luật hình sự và sẽ dẫn tới chính sách nhân văn này hầu như sẽ không được thực thi trên thực tế. Bộ luật Hình sự hiện hành cũng không quy định mọi biện pháp giám sát, giáo dục chỉ được áp dụng khi có sự đồng ý của bị hại.

Bên cạnh đó, việc đề xuất bổ sung điều kiện người chưa thành niên phải khắc phục phần lớn hậu quả, bồi thường thiệt hại mới được xem xét, áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng có thể chưa bảo đảm tính nhân văn, công bằng của pháp luật (giữa gia đình có điều kiện với gia đình không có điều kiện về kinh tế), cũng như thực tiễn giải quyết thời gian qua.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật có hoàn cảnh gia đình đặc biệt (như mồ côi cha, mẹ, bố, mẹ ly hôn, ly thân, nghiện ma túy, đang chấp hành án phạt tù hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn...) chiếm tỷ lệ rất lớn.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu và bổ sung điều kiện áp dụng "khi có sự đồng thuận của bị hại hoặc người đại diện của họ" đối với 2 biện pháp xử lý chuyển hướng gồm xin lỗi bị hại và bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ, đây là những biện pháp nếu không có sự đồng ý của bị hại thì không thể triển khai được trên thực tế.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điều 1 và điều 2 của luật Thi hành án dân sự để bảo đảm thi hành phần bồi thường thiệt hại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, áp dụng với trường hợp cha mẹ có điều kiện để bồi thường nhưng không thi hành nghĩa vụ bồi thường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.