Sáng 9.8, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên.
Chủ trì hội nghị có anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cán bộ lãnh đạo quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, đại diện cán bộ đoàn, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật.
Dự án luật Tư pháp người chưa thành niên do TAND tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, TAND tối cao đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật; đồng thời đang tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phản biện xã hội về các nội dung: phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của luật Tư pháp người chưa thành niên; điều phối về tư pháp người chưa thành niên; trách nhiệm của người làm công tác xã hội; các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên; hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; bình đẳng giới trong dự thảo luật; vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên tham gia hoạt động tố tụng và tái hòa nhập cộng đồng đối người chưa thành niên.
Theo GS-TS Trần Ngọc Đường, vai trò của của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên chỉ quy định trong vấn đề tái hòa nhập cộng đồng là chưa đủ. MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên không chỉ có trách nhiệm trong giai đoạn cuối, là giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng của người chưa thành niên, mà còn có trách nhiệm chính trị như: giám sát việc tổ chức thực hiện, phản biện xã hội đối với dự án luật này và các luật có liên quan; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện luật; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên khi bị xâm hại.
Cán bộ công tác xã hội có thể tham gia giải quyết các vấn đề về bảo vệ trẻ em
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng dự án luật Tư pháp người chưa thành niên là một nội dung quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em tại Việt Nam. Theo ông Nam, về cơ cấu và nhân lực thì khoảng trống lớn nhất ở Việt Nam là đội ngũ những người làm công tác xã hội. Các quy định về nghề công tác xã hội ít nhiều còn lúng túng và không đồng bộ.
"Thực trạng công tác xã hội và nghề công tác xã hội ở Việt Nam đang trong quá trình hình thành và phát triển, chủ yếu mới được quy định trong các nghị định và thông tư, chưa được quy định trong luật. Nhân lực công tác xã hội chưa phân bổ đều, đặc biệt ở cấp cơ sở, trên địa bàn dân cư thiếu chuyên nghiệp, nặng về quản lý nhà nước hoặc về từ thiện, trong khi người làm công tác xã hội về thực thi chính sách như kết nối, chuyển tuyến các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu xã hội của người dân…", ông Nam chia sẻ.
Ông Nam cũng cho biết, hiện mạng lưới dịch vụ công tác xã hội đang thí điểm, chưa đáp ứng nhu cầu về trợ giúp xã hội của người dân nói chung và trẻ em nói riêng như tư vấn tâm lý, kết nối, chuyển tuyến dịch vụ…
"Công tác xã hội thực sự rất quan trọng trong hoạt động tư pháp của người chưa thành niên. Do thiếu hụt nhân lực công tác xã hội nên việc phòng ngừa người chưa thành niên, trẻ em vi phạm pháp luật, phòng ngừa xâm hại, bóc lột sức lao động trẻ em, còn yếu kém", ông Nam khẳng định.
Ông Nam đề nghị cần quy định chi tiết, rõ ràng về người làm công tác xã hội trong luật Tư pháp người chưa thành niên; thống nhất với quy định về người làm công tác xã hội và làm công tác bảo vệ trẻ em trong luật Trẻ em; người làm công tác xã hội có vai trò bình đẳng tham gia vào quá trình ra quyết định tư pháp; cần cân nhắc cơ chế phối hợp hoặc cơ chế biệt phái đối với người làm công tác xã hội.
Cạnh đó, cần quy định mở rộng hơn, cán bộ các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ có chứng chỉ đào tạo công tác xã hội, có thể được tham gia giải quyết các vấn đề về bảo vệ trẻ em, tư pháp người chưa thanh niên.
Phát biểu kết luận hội nghị anh Nguyễn Tường Lâm cho biết, ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến phản biện và gửi cho cơ quan soạn thảo. Anh Lâm cho rằng, đây là một văn bản luật rất khó vì vừa phải thể hiện tính nhân văn giáo dục, vừa có tính răn đe. Vì vậy, cần có quan điểm rõ ràng và mang tính toàn diện. Qua hội nghị này, các ý kiến đã đóng góp rất nhiều điều, giúp Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam sẽ tổ chức giám sát, phản biện tốt hơn.
Bình luận (0)